Thông tư số 178/2019/TT-BQP: Tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh quản lý tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý

Ngày 02 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 178/2019/TT-BQP quy định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thôi giữ chức, điều động, luân chuyển đối với các chức danh quản lý tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện cử, cử lại, miễn nhiệm đối với Người đại diện phần vốn nhà nước, giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu.


Thông tư này gồm có 4 Chương, 20 Điều quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thôi giữ chức, điều động, luân chuyển đối với các chức danh quản lý tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý (viết gọn là Người quản lý); tiêu chuẩn, điều kiện cử, cử lại, miễn nhiệm đối với Người đại diện phần vốn nhà nước, giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu (viết gọn là Người đại diện).
Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Người quản lý
Các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Người quản lý gồm:
Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014 (sau đây viết gọn là Luật Sĩ quan); Quy định số 842-QĐ/QU ngày 06/8/2018 của Quân ủy Trung ương quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; các điều kiện quy định tại Điều 92, 100, 103 Luật Doanh nghiệp; Điều 27 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 97/2015/NĐ-CP); Quy chế Công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (viết gọn là Quy chế công tác cán bộ) và các văn bản quy định có liên quan của Bộ Quốc phòng.
Được quy hoạch cho chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương với chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác (không áp dụng đối với chức danh Kiểm soát viên).
Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh, có bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Có bản đánh giá mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên ở chức vụ trước khi bổ nhiệm của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 1, Thông tư số 105/2018/TT-BQP ngày 24/7/2018 của Bộ Quốc phòng sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 147/2016/TT-BQP ngày 21/9/2016 của Bộ Quốc phòng quy định về quản lý Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu (viết gọn là Thông tư số 105/2018/TT-BQP).
Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa xem xét bổ nhiệm
Các trường hợp chưa xem xét bổ nhiệm bao gồm: Đang trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật. Đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật từ mức kỷ luật khiển trách trở lên, điều tra, truy tố, xét xử, hoặc các trường hợp khác theo quy định tại các văn bản quy định có liên quan của Bộ Quốc phòng.
Thôi giữ chức Người quản lý
Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, quyết định thôi giữ chức đối với Người quản lý khi thuộc một trong các trường hợp sau: a) Do sức khỏe yếu hoặc đã hết tuổi theo quy định; b) Doanh nghiệp bị giải thể, giảm biên chế hoặc do yêu cầu nhiệm vụ; c) Có nguyện vọng xin thôi giữ chức vì lý do cá nhân; d) Các trường hợp khác theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Trình tự, thủ tục xem xét Người quản lý thôi giữ chức thực hiện theo Quy chế công tác cán bộ và các văn bản quy định có liên quan của Bộ Quốc phòng.
Người quản lý sau khi thôi giữ chức thì được cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công việc khác hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Miễn nhiệm Người quản lý
Người quản lý được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây: a) Có sai phạm nhưng chưa đến mức phải kỷ luật cách chức hoặc không còn đủ uy tín, điều kiện để giữ chức vụ; b) Năng lực hạn chế; có 02 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; c) Trong 01 nhiệm kỳ hoặc trong 02 nhiệm kỳ liên tiếp bị 02 lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; d) Bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức hoặc vi phạm quy định về những việc đảng viên không được làm đối với Người quản lý là đảng viên.
Cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm ngay đối với Người quản lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trình tự, thủ tục xem xét miễn nhiệm thực hiện theo Quy chế công tác cán bộ và và các văn bản quy định có liên quan của Bộ Quốc phòng.
Người quản lý sau khi được miễn nhiệm thì được cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công việc khác hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều động, luân chuyển Người quản lý
Căn cứ điều động, luân chuyển Người quản lý: a) Yêu cầu nhiệm vụ của doanh nghiệp và nhu cầu công tác cán bộ; b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí chức vụ, chức danh mới; c) Kế hoạch, quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
Việc điều động, luân chuyển Người quản lý thực hiện theo Quy chế công tác cán bộ và các văn bản quy định có liên quan của Bộ Quốc phòng.
Tiêu chuẩn, điều kiện Người đại diện
Tiêu chuẩn, điều kiện Người đại diện gồm:
Có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Sĩ quan; Quy định số 842-QĐ/QU ngày 06/8/2018 của Quân ủy Trung ương quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các quy định tại Điều 65, 151, 152, 157 Luật Doanh nghiệp; Điều 18 Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý Người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (viết gọn là Nghị định số 106/2015/NĐ-CP).
Có đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh, có bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Trong độ tuổi cử làm đại diện theo quy định, cụ thể: Người đại diện được cử làm đại diện phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác hết 01 nhiệm kỳ theo quy định của chức danh quản lý, trừ trường hợp Người đại diện do nhu cầu công tác mà được chủ sở hữu miễn nhiệm làm Người đại diện tại doanh nghiệp này để cử làm Người đại diện tại doanh nghiệp khác cùng chủ sở hữu.
Trường hợp Người đại diện sau 01 năm kể từ ngày bị chủ sở hữu đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kể từ ngày có quyết định kỷ luật, miễn nhiệm có hiệu lực thi hành, nếu tiếp tục được xem xét cử làm Người đại diện thì ngoài điều kiện về độ tuổi, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều này.
Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Không đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ mức kỷ luật khiển trách trở lên, điều tra, truy tố, xét xử.
Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2020. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thay thế đó.