Nghị quyết 05/1997/QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 05) được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 thông qua tháng 11 năm 1997. Nghị quyết này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Sau 8 năm thực hiện đã có 5 công trình quan trọng quốc gia được quyết định chủ trương đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 05 là: Dự án Khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Nhà máy thuỷ điện Sơn La, Dự án đường Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, một số quy định của Nghị quyết 05 đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay nên cần được sửa đổi. Thực tế triển khai và qua giám sát việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia cũng cho thấy cần bổ sung những nội dung mới mà Nghị quyết 05 chưa đề cập. Đó là, so với năm 1997, quy mô của nền kinh tế nước ta đã tăng lên đáng kể (GDP năm 2005 tăng hơn 2,6 lần so với năm 1997). Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, quy mô, số lượng các dự án ngày càng lớn hơn, hình thức đầu tư đa dạng hơn. Giá cả thị trường, tỷ giá hối đoái cũng đã thay đổi. Tình hình đó đòi hỏi phải thay đổi quy định về quy mô vốn đầu tư của các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư để phù hợp với thực tế, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách nhà nước đi đôi với tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan…
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung: Ý kiến chung trong Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí về cơ bản với phạm vi sửa đổi Nghị quyết như nêu trong Tờ trình của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với 5 nhóm vấn đề và thay tên gọi của Nghị quyết trên cơ sở sửa đổi, kế thừa và phát triển Nghị quyết 05/1997/QH10.
Để bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền của Quốc hội, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách nhất trí với Tờ trình là Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia và lấy tên Nghị quyết là “Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư” . Đại biểu Trương Thị Mai đoàn Trà Vinh nhất trí với các nội dung Nghị quyết của Quốc hội và đề nghị, bỏ cụm từ “xem xét” trong tên gọi của Nghị quyết; mức vốn 20 nghìn tỷ năm đầu tư vào các công trình quan trọng quốc gia 1997. Đến nay mức trượt giá là 31%, đề nghị Quốc hội tính toán, cân nhắc về qui mô của vốn đầu tư … các đại biểu Hoàng Thiện Cát đoàn Hưng Yên và đại biểu Nguyễn Văn Hợp đoàn Hải Dương cơ bản nhất trí với các nội dung Nghị quyết và đề nghị bổ sung giới hạn của Nghị quyết không nên chỉ điều chỉnh các dự án quan trọng được Nhà nước đầu tư, mà cần qui định cho tất cả các công trình quan trọng khác để có thể hạn chế được những tiêu cực và các công trình quan trọng được Nhà nước đầu tư cần phải tính đến những yếu tố về văn hóa, xã hội, lịch sử, môi trường …Đại biểu Nguyễn Văn Hợp đề nghị cần có một Ủy ban lâm thời để thẩm tra các dự án quan trọng được đầu tư
Về tiêu chí về quy mô vốn đầu tư, đại biểu Bùi Sĩ Tiếu đoàn Thái Bình, có ý kiến với dự án có quy mô đầu tư 10.000 tỷ VNĐ (tính theo thời giá của quý 4 năm 1997 tương đương với khoảng 820 triệu đô-la Mỹ) thì vốn đầu tư chiếm khoảng 3% GDP trở lên là phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Nếu tỉnh tỷ giá của đồng Việt Nam với đồng đô-la Mỹ hiện nay là khoảng 16.000 VNĐ = 1 USD thì tỷ lệ trượt giá từ năm 1997 đến nay là khoảng 31%; mức vốn 10.000 tỷ VNĐ chiếm khoảng 1,2% GDP năm 2005. Vì vậy, nhất trí với phương án 1 là nâng qui mô vốn đầu tư từ 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ VNĐ đối với dự án, công trình có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, từ 25.000 tỷ VNĐ trở lên đối với dự án, công trình sử dụng các nguồn vốn khác vì: Tiêu chuẩn về quy mô vốn cần bao hàm cả hai tiêu chí là tổng mức đầu tư và nguồn vốn để nói rõ mức độ sử dụng nguồn lực chung của quốc gia và thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn lực. Theo Luật ngân sách nhà nước thì Quốc hội quyết định việc sử dụng ngân sách nhà nước, còn các nguồn vốn khác do chủ sở hữu quyết định. Để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thì nên quy định cả quy mô vốn và cả nguồn từ ngân sách nhà nước.
Về các loại dự án ảnh hưởng đến môi trường, đại biểu Lê Xuân Thân đoàn Thanh Hóa cho rằng, các tiêu chí về bảo vệ môi trường là rất trừu tượng. Dự án quan trọng mà phải phá bỏ rừng ngập mặn, rừng tự nhiên tuy rằng chưa đến 1000 ha, nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thì vẫn phải xem xét lại và không nên đưa ra những tiêu chí cứng, mà chỉ nên đưa ra một khung pháp lý để điều chỉnh …
Tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 05 quy định một trong các tiêu chí để xác định công trình quan trọng quốc gia là: “Công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hay có tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”. Thực tế cho thấy tiêu chí này rất khó xác định vì không cụ thể, khó nhận biết thế nào là ảnh hưởng lớn hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết mới đã quy định cụ thể 4 loại dự án, công trình thuộc loại này trên cơ sở các quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2005 để dễ dàng nhận biết và áp dụng các thủ tục đầu tư xây dựng.
(Theo website Đảng Cộng sản)