70 năm trước, Liên Hợp quốc đã công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đây là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và tôn trọng. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đạt những thành tích được quốc tế ghi nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Từ những vấn đề cơ bản của Tuyên ngôn nhân quyền, quyền con người là gì, đến những câu chuyện về nhân quyền rất thiết thực trong đời sống của mỗi gia đình, sẽ được các khách mời, chuyên gia của chúng tôi lý giải trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng độc giả.
Hai vị khách mời cùng tham gia chương trình của chúng tôi hôm nay là PGS.TS Đặng Dũng Chí - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
Chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam cùng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp tổ chức!
![]() |
Phó Tổng biên tập báo PLVN - ông Trần Đức Vinh - chào mừng các vị khách mời đã tới tham gia chương trình. |
Cho tôi hỏi, ở Việt Nam hiện nay, đang gặp những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo quyền con người ?
- Xin hỏi các ông, thành tựu nổi bật của Việt Nam về bảo vệ con người trong thời gian qua?
Ông Bạch Quốc An: Khó khăn lớn nhất là nhận thức của người dân về các quyền của mình khi bị xâm phạm còn hạn chế như đã nêu ở phía trên.
Thứ hai là việc lạm dụng các quyền con người để có các hành vi vi phạm pháp luật đang gây khó khăn rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ các quyền con người bị vi phạm như đã được đề cập tại câu hỏi về việc đưa các thông tin không chính xác lên các trang mạng xã hội ở trên.
Thứ ba, hạn chế về kiến thức pháp luật của các cán bộ công chức cũng là một hạn chế trong quá trình xử lý một số vụ việc cụ thể.
Thứ tư, ý thức pháp luật của cộng đồng dân cư là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền con người.
Cuối cùng là hạn chế về nguồn lực cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của việc bảo đảm quyền con người tại Việt Nam.
- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Theo tôi, thành tựu cơ bản nhất là giữ vững được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Đây là điều hết sức có ý nghĩa vì nếu không làm được điều này sẽ không thể có điều kiện hay tạo ra tiền đề để bảo vệ quyền con người. Chính hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ 2 tại Viên (Áo) coi việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm quyền con người và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện có hiệu quả quyền này.
Một thành tựu nổi bật nữa trong những năm qua đã đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế thị trường. Đây cũng là những điều kiện rất quan trọng trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Trên từng lĩnh vực cụ thể có thể kể đến những thành tựu lớn về giải quyết việc làm, về xoá đói giảm nghèo, về an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…
Những thành tựu trong bảo đảm quyền con người nói trên đã góp phần quan trọng thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới bao nhiêu năm qua.
- Tôi muốn hỏi anh An, việc sửa đổi, bổ sung ban hành pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người thực hiện như thế nào?
- Ông Bạch Quốc An: Như tôi đã vừa trả lời, Hiến pháp 2013 là sự thể hiện thay đổi lớn trong nhận thức về quyền con người và việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Trên cơ sở Hiến pháp 2013 các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Trong kế hoạch triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 về việc sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản về quyền con người nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013 là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Thực hiện nguyên tắc cơ bản về hạn chế quyền con người trong Hiến pháp 2013, thì các quy định về hạn chế quyền con người đã được tập trung quy định trong các luật, những quy định về hạn chế quyền con người trong các văn bản dưới luật đều đã được xem xét bãi bỏ. Đồng thời, đây cũng là một nội dung được quán triệt xuyên suốt trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Hàng năm, việc rà soát các quy định của pháp luật về quyền con người luôn được bộ ngành thực hiện trên cơ sở đối chiếu với các cam kết quốc tế về quyền con người để qua đó có đề xuất ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
![]() |
Ông Bạch Quốc An - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp. |
- Xin ông cho biết đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta trong bảo vệ quyền con người?
- PGS.TS Đặng Dũng Chí: Ngay từ khi ra đời Nhà nước Việt Nam đã quan tâm bảo đảm, bảo vệ quyền con người thể hiện tập trung trong Hiến pháp 1946. Trong thời kì đổi mới, các Đại hội Đảng đều tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán trong việc bảo đảm quyền con người; đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển; nhấn mạnh việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn, Đại hội XII nhấn mạnh, cần chuyển an sinh xã hội từ lĩnh vực nhân đạo từ thiện sang quyền và Nhà nước cần bảo đảm để tất cả mọi người đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu những bước ngoặt trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, như anh An đã nói rõ ở trên.