Xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan để giải quyết "điểm nghẽn" trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Tại Phiên thảo luận thứ hai của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, các chuyên gia, đại biểu đã cùng nhau trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuế giá trị gia tăng. Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV điều hành Phiên thảo luận.
Các diễn giả: Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính; Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế việt Nam (VTCA), nguyên Phó Tổng cục Tổng cục Thuế tham gia Diễn đàn.
Toàn cảnh Phiên thảo luận thứ hai của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024
Qua nhiều lần sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), chính sách hoàn thuế GTGT vẫn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các vướng mắc về hoàn thuế GTGT không được xử lý sẽ trở thành một điểm nghẽn trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến tính ổn định, minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đưa ra ví dụ cụ thể về 2 trường hợp hoàn thuế của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và cơ sở kinh doanh sắn; từ đó chỉ ra các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cơ quan thuế khi thực hiện hoàn thuế GTGT. Theo bà, để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước yên tâm thực hiện thủ tục hoàn thuế, cần “cắt khúc” từng khâu kinh doanh cụ thể, từ đó xác định trách nhiệm của mỗi cơ quan nhà nước với từng khâu. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế bảo vệ cán bộ thuế trong trường hợp kiếm tra phát hiện các sai sót không thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp kê khai hoặc của cán bộ thuế.
Đồng tình với các ý kiến của bà Cúc, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên BCH Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhận định hoàn thuế GTGT là vấn đề “nóng” vì liên quan đến việc hoàn trả tiền thuế doanh nghiệp đã nộp từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc tra soát nhiều vòng của ngành thuế tuy nhằm bảo vệ ngân sách nhà nước nhưng cũng gây khó khăn cho những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.
Để hài hoà cả lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, ông Phụng kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương phải có chỉ đạo xuyên xuốt trong việc giải quyết vi phạm thuế, vi phạm ở khâu nào sẽ giải quyết ở khâu đấy, không đổ dồn trách nhiệm cho một mình cơ quan thuế, công chức thuế. Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế vào Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế, trong đó công chức thuế chỉ chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng công chức thuế chỉ nên chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế, hồ sơ hoàn thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Như vậy sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hoàn thuế GTGT, góp phần tạo ra môi trường chính sách ổn định, linh hoạt cho cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế.
Ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết thêm, trong quá trình xây dựng Luật Thuế GTGT sửa đổi dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV này, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào Luật quy định công chức thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế để đảm bảo chặt chẽ và phạm vi trách nhiệm của công chức thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.