Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam xây dựng dự thảo Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế và đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật (BCVPL), tuyên truyền viên pháp luật (TTVPL). Để tiếp tục hoàn thiện Bộ công cụ, sáng 23/8/2019 tại Thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến của hơn 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương và một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn ở cơ sở. TS. Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Catherine Phuong - Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, Trưởng phòng Quản trị và tham gia - đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, TS. Lê Vệ Quốc cho rằng, việc có một Bộ công cụ để có thể đánh giá toàn diện, chính xác về thực trạng nhận thức và hiểu biết pháp luật của các nhóm yếu thế (tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số) cũng như nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ BVCPL, TTVPL trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết. Ông cũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Nhóm chuyên gia trong việc xây dựng, thiết kế Bộ công cụ (bao gồm 02 mẫu phiếu khảo sát với nhiều nội dung, câu hỏi cụ thể, chi tiết). Cách tiếp cận, phạm vi và nội dung của Bộ công cụ đã được Nhóm chuyên gia nghiên cứu, thiết kế cơ bản phù hợp. Song để có được một Bộ công cụ thực sự hữu hiệu, đáp ứng mục đích, đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo có những ý kiến một cách thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần thiện chí, mong muốn góp phần hoàn thiện Bộ công cụ.
TS. Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Catherine Phuong - Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, Trưởng phòng Quản trị và tham gia khẳng định cần thiết phải có những nỗ lực bảo đảm cho các nhóm đối tượng yếu thế nhận thức được về quyền của mình và cách thức để bảo vệ quyền của mình. Theo bà, Việt Nam có đội ngũ BCVPL, TTVPL đông đảo, với số lượng lớn (khoảng hơn 160.000 BCVPL các cấp và TTVPL ở xã, phường, thị trấn). Đây là nguồn nhân lực quan trọng thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa các chính sách, pháp luật vào trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Do đó, việc tiến hành đánh giá nhu cầu về năng lực của BCVPL, TTVPL là có ý nghĩa, từ đó kiến nghị, đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp, thiết thực, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ này để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Họ cần phải có những kỹ năng, kiến thức chuyên môn gì để có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình? Đó cũng chính là lý do mà Dự án đã tài trợ tổ chức Hội thảo này.
Ông Sinisa Milatovic, Chuyên gia quốc tế chia sẻ tại Hội thảo
Hội thảo đã được nghe ông Sinisa Milatovic – Chuyên gia quốc tế chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu về nhận thức, nhu cầu pháp luật và trong đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực; GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam – Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày về dự thảo Bộ công cụ; tham luận phản biện của 02 chuyên gia trong nước (Ông Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban dân tộc; Ông Nguyễn Duy Lãm, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp). Bên cạnh đó, đã có nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện Bộ công vụ tại Hội thảo, trong đó có các Sở Tư pháp đại diện theo vùng, miền (Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hậu Giang...), nhằm tạo cơ sở thực tiễn cho Nhóm chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Bộ công cụ bảo đảm thiết thực, phù hợp hơn.
Các đại biểu tham dự trình bày ý kiến tại Hội thảo
Kết thúc Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc đã tổng kết các ý kiến phát biểu, đề nghị nhóm chuyên gia thuộc Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp hoàn thiện dự thảo Bộ công cụ, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động khảo sát tại một số địa phương theo kế hoạch đã thống nhất với Dự án./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật