Hướng dẫn thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm giai đoạn 2021-2030

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 35/2021/TT-BTC quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030.

Thông tư này quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi là Chương trình 1322) và áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 1322.
Nội dung và mức chi để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng
Thông tư quy định:
Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng của Chương trình 1322 theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nội dung và mức chi thực hiện theo các quy định sau:
Xây dựng chương trình truyền thông về năng suất chất lượng; phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất lượng:
a) Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;
b) Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác;
c) Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình, chương trình phát thanh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình và Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Bộ Thông tin và truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh;
d) Các nội dung chi khác (chi phí in, phát hành đối với báo chí in, xuất bản phẩm): Thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả;
đ) Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất lượng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Tạo lập, duy trì và khai thác phát triển cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn đối sánh, thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ truyền thông về năng suất chất lượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có trách nhiệm phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện công việc trong phạm vi dự toán được giao theo thẩm quyền, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ.
Nội dung và mức chi đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng
Thông tư quy định:
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức các hoạt động đào tạo về năng suất chất lượng theo quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 1322. Nội dung và mức chi thực hiện theo các quy định sau:
Xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN).
Biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, tập huấn về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Chi tổ chức các khóa đào tạo:
a) Tổ chức các khóa đào tạo trong nước đối với chuyên gia năng suất chất lượng, giảng viên năng suất chất lượng, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng; mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
b) Tổ chức các khóa đào tạo tại nước ngoài cho các chuyên gia năng suất chất lượng đạt trình độ khu vực và quốc tế: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 88/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 8 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
Thuê chuyên gia, giảng viên trong nước và nước ngoài tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định:
a) Yêu cầu về trình độ, năng lực của chuyên gia thực hiện theo quy định Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các chương trình đào tạo căn cứ nội dung yêu cầu công việc thuê chuyên gia thực hiện thương thảo mức tiền thuê chuyên gia, thuyết minh rõ kết quả của việc thuê chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về số lượng và mức kinh phí thuê chuyên gia theo hợp đồng khoán việc.
Căn cứ mức tiền thuê chuyên gia quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình đào tạo quyết định mức chi trả cụ thể cho chuyên gia trong phạm vi dự toán được phê duyệt.