Thông tư này quy định về đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng:
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng an toàn thông tin đối với cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng an toàn thông tin đối với đội ngũ nhân lực an toàn thông tin và công nghệ thông tin của các đơn vị thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng an toàn thông tin đối với viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được bố trí kinh phí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo từ các nguồn tài chính của đơn vị; từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có) phù hợp với quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng an toàn thông tin đối với người lao động trong các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được bảo đảm từ kinh phí của tổ chức, đơn vị đó.
Khuyến khích việc huy động từ các nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác để triển khai Đề án này.
Về nội dung chi, mức chi: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung chi, mức chi đặc thù như sau:
Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng yêu cầu có trợ giảng, tùy theo mức độ cần thiết, thủ trưởng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định số lượng trợ giảng và được chi tiền ăn, thuê phòng nghỉ, phương tiện đi lại đối với trợ giảng trong phạm vi dự toán chi đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị theo mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Chi đào tạo, giảng dạy trực tuyến, đào tạo, thực hành tại chỗ (on-the-job-training) và xây dựng các hệ thống, chương trình, tài liệu để phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực an toàn thông tin trong quá trình đào tạo, đào tạo trực tuyến rộng rãi và kiểm tra kết quả đầu ra: Chi thuê thiết bị, phần mềm và hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung; các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và các văn bản hướng dẫn liên quan; Chi xây dựng video bài giảng: Áp dụng quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình.
Chi xây dựng, ban hành quy định chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin, tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thông tin: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật.
Chi khảo sát, học tập kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATTT trong và ngoài nước; chi tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí; Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước và Thông tư số 54/2021/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 35 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.