Quyết định này quy định về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 43/2022/QH15) và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP).
Đối tượng áp dụng theo Quyết định này gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội; Khách hàng vay vốn và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đối tượng vay vốn là học sinh các cấp đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục đáp ứng các điều kiện tại Quyết định này; học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam đáp ứng các điều kiện tại Quyết định này.
Học sinh, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện vay vốn sau: Là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch Covid-19); Không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của học sinh, sinh viên là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp đối tượng tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định này đã đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay.
Vốn vay được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến bao gồm: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone). Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Đồng tiền cho vay và trả nợ là đồng Việt Nam.
Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đối với trường hợp sinh viên trực tiếp đứng tên vay vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này: Tại thời điểm vay vốn nếu thời gian dự kiến kết thúc khóa học còn từ 24 tháng trở lên thì thời hạn cho vay tối đa được tính từ ngày vay đến hết 12 tháng sau thời điểm dự kiến kết thúc khóa học; Thời điểm dự kiến kết thúc khóa học của sinh viên này được xác định theo giấy xác nhận của nhà trường. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Nguồn vốn cho vay theo Quyết định này và cho vay theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) tối đa là 3.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Việc sử dụng nguồn vốn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31/12/2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay quy định, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Ngân hàng Chính sách xã hội phân loại các khoản nợ cho vay theo Quyết định này theo quy định tại Quyết định số 976/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phân loại nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có). Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý nợ bị rủi ro theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế khác (nếu có). Đồng thời, hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.