Ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng: Đề thi sẽ không quá khó, quá phức tạp, ngoài chương trình

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành Quy chế hướng dẫn chi tiết việc tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ chính quy, khẳng định đề thi sẽ không được ra ngoài chương trình, vượt chương trình trung học, sẽ không quá khó, quá phức tạp, không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm.

Theo Quy chế, các khối thi và môn thi sẽ được chia theo 2 ngành chính là ngành không thuộc diện năng khiếu và ngành năng khiếu. Cụ thể, khối thi và môn thi của các trường, ngành không thuộc diện năng khiếu bao gồm Khối A (Toán, Vật lý, Hóa học), Khối B (Toán, Sinh học, Hóa học), Khối C (Văn, Lịch sử, Địa lý) và Khối D với môn thi Văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức và Tiếng Nhật).

Các trường, ngành năng khiếu gồm có 8 Khối thi như Khối M (Văn, Toán, Đọc, kể diễn cảm và hát), Khối S (Văn, 2 môn Năng khiếu điện ảnh), Khối R (Văn, Lịch sử, Năng khiếu báo chí), Khối K (Toán, Vật lý, Kỹ thuật nghề)...

Quy chế quy định các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ sẽ được tổ chức thi theo phương pháp trắc nghiệm. Thời gian làm bài đối với môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi theo phương pháp trắc nghiệm là 90 phút.

Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được Bộ GDĐT tổ chức biên soạn chung cho các trường (không bao gồm các ngành năng khiếu). Đề thi sẽ kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học, bám sát chương trình lớp 12.

Mỗi đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ diễn ra trong 4 ngày. Ngày thứ nhất làm thủ tục dự thi, ngày thứ hai và thứ ba làm bài thi và ngày thứ tư dự trữ cho trường hợp cần thiết.

Kết quả trúng tuyển đợt 1 sẽ được các trường công bố trước ngày 20/8 hàng năm, trước ngày 25/8 công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển đợt 2 và trước ngày 15/9 đối với đợt 3. Danh sách thí sinh trúng tuyển sẽ được đăng trên mạng Giáo dục www.edu.net.vn và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, Quy chế cũng nêu rõ thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GDĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay cũng cần chú ý đối với các môn thi có phần chung cho tất cả thí sinh và phần riêng cho thí sinh học theo chương trình trung học phân ban thí điểm hoặc thí sinh học theo chương trình trung học không phân ban, thí sinh chỉ được làm một phần riêng thích hợp.

Thí sinh nào làm cả hai phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hay không đúng) bài làm coi như phạm quy và không được chấm điểm phần riêng. Phần chung vẫn được chấm điểm.          

Về chế độ tuyển thẳng, theo Quy chế, sẽ được áp dụng với những trường hợp là thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học, nếu chưa tốt nghiệp, sẽ được bảo lưu kết quả; các thí sinh đã tốt nghiệp trung học là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ hoặc các ngành của các trường theo quy định của từng trường tương ứng với trình độ của thí sinh.

(Theo website Chính phủ)

(Nguồn: Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-BGDĐT)