Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bảo vệ môi trường, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Ngày 02/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống, Chương trình xác định rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: (i) Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; (ii) Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp; (iii) Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả; (iv) Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; (v) Có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; (vi) Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định; (vii) Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ; (viii) Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; (ix) Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
          Với quan điểm, bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác này theo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ nguồn lực các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Chương trình đã xác định các nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực: cấp nước sạch nông thôn; chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề; cảnh quan môi trường nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và công tác vệ sinh để thực hiện các mục tiêu đề ra.
          Một trong những giải pháp trọng tâm là truyền thông, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về các tác động của môi trường, an toàn thực phẩm, nước sách đến sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất. Cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát huy hiệu quả của truyền thông da phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xây dựng các chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát song định kỳ trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử. Phát động các phong trào thi đua chuyên đề biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cấ nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; tổ chức các cuộc thi nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và vận hành các công trình cấp nước và xử lý chất thải. Xây dựng các bộ phận sản phẩm truyền thông mẫu, thiết kế mẫu về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn.
          Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn mới. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và phát triển mạng lưới tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp cơ sở.
          Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2022 đến hết năm 2025 trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung Chương trình tại địa phương./.