Áp dụng và đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động xây dựng Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) và đã bước đầu đưa vào sử dụng trên toàn quốc. Việc sử dụng Cơ sở dữ liệu này nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kịp thời theo dõi, nắm bắt thông tin liên quan đến khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và xử lý kiến nghị, phản ánh, hạn chế tình trạng đơn thư trùng lặp và tiết kiệm thời gian thu thập, theo dõi, thuận lợi cho công tác tổng hợp, báo cáo.
Để quy định cụ thể hơn về việc cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu này, ngày 23/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2022.
Về thẩm quyền, phạm vi khai thác Cơ sở dữ liệu: Các cơ quan có trách nhiệm cập nhật các thông tin, vụ việc được khai thác thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Bên cạnh đó, để phục vụ công tác quản lý, giám sát về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, Nghị định quy định cụ thể các chủ thể được quyền yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu.
Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ có trách nhiệm cung cấp thông tin theo phạm vi quản lý. Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định cơ quan có quyền từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu nếu người yêu cầu không có thẩm quyền khai thác, không có thẩm quyền yêu cầu hoặc nếu có căn cứ cho rằng yêu cầu cung cấp thông tin đó trái pháp luật, vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu có quyền từ chối cung cấp.
Để bảo vệ, giữ gìn và duy trì hiệu quả, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiêu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, pháp luật nghiêm cấm những hành vi truy cập sau:
- Cố ý không cập nhật hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ, không chính xác;
- Làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu;
- Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu; Khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin để trục lợi;
- Phá hủy, phá hoại, làm hư hỏng hoặc hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu.
Trong Nghị định số 55/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ, việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiêu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau: (1) Tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giai quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan; (2) Bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin; (3) Bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật; (4) Bảo đảm việc quản lý, vận hành chặt chẽ, an toàn, ổn định và thông suốt.
Đây đều là những nội dung vô cùng quan trọng trong hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiêu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông qua đó giúp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
Lê Thị Linh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật