Theo đó, Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.
Nghị định mới giữ nguyên các nhiệm vụ, quyền hạn như trước đây: Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; chính sách để đồng bào dân tộc thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình; chính sách đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng công tác giáo dục, đào tạo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Ủy ban Dân tộc, như sau:
- Trình “Thủ tướng Chính phủ” chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc;
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội ban hành “tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam”;
- Trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền “tiêu chí xác định các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù”.
- Đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định các chương trình, dự án, đề án, chính sách liên quan (để phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
- Chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu thuộc lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi Ủy ban Dân tộc và ngoài Ủy ban Dân tộc (nhằn thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số của Nhà nước).
- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, số lượng viên chức, vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Ủy ban Dân tộc theo quy định.
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với các trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác khi được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức: Ủy ban Dân tộc có 16 đơn vị trực thuộc, gồm:
- Cấp Vụ: 09 đơn vị: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổng hợp, Vụ Chính sách dân tộc, Vụ Tuyên truyền, Vụ Dân tộc thiểu số, Vụ Công tác dân tộc địa phương[1] (gộp Vụ Địa phương I, Vụ Vụ Địa phương II, Vụ Địa phương III).
- Văn phòng Ủy ban.
- Thanh tra Ủy ban.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Ủy ban: Tiếp tục giữ 05 đơn vị sự nghiệp công lập, gồm: (1) Học viện Dân tộc; (2) Trung tâm chuyển đổi số (trước đây là Trung tâm Thông tin); (3) Báo Dân tộc và Phát triển; (4) Tạp chí Dân tộc; (5) Nhà khách Dân tộc.
Nghị định số 66/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022./.