Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật

Ngày 30/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.

Cách đây hơn 09 năm, vào ngày 04/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án này được ban hành nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án thời gian qua, Bộ Tư pháp đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1156/QĐ-TTg ban hành Đề án để tiếp tục  thực hiện xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trong đó xác định các mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Theo đó mục tiêu tổng quát của Đề án hướng tới tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Các mục tiêu cụ thể tập trung vào các nội dung và nhiệm vụ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, nhân lực và tổ chức bộ máy, hợp tác trong nước và quốc tế, cơ sở vật chất và công nghệ thông tin.
Theo đó, về phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và phục vụ cộng đồng, các mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 – 2025 được xác định là tăng số lượng vụ việc tư vấn 15%/năm, trong đó, có 20 - 30% là miễn phí. Đến năm 2025, số vụ, việc tư vấn cho khách hàng ở các lĩnh vực pháp luật đạt ít nhất là 500 vụ, việc/năm; số lượt giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý đạt 500 lượt/năm; tổ chức mỗi năm ít nhất 30-40 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau. Trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, số vụ, việc tư vấn đạt khoảng 600 - 700/năm, trong đó số vụ, việc miễn phí đạt khoảng 30 - 40%; tổ chức mỗi năm 40 - 60 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức khác nhau.
Về cơ sở vật chất và công nghệ thông tin, hoạt động đào tạo, giảng dạy của các trường được thực hiện theo hướng đổi mới cách dạy, cách học, quản trị và quản lý dựa trên công nghệ số; phát triển thư viện số hiện đại, tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử tiên tiến hàng đầu trên thế giới; hợp tác ít nhất ba thư viện các nước trong khu vực. Trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030,  100% các văn bản chỉ đạo điều hành được trao đổi trên môi trường mạng; 60% giao tiếp của người học với Nhà trường thực hiện qua hệ thống công nghệ thông tin; 50% bài giảng của giảng viên được đưa lên hệ thống E-Learning; 100% viên chức, người học sử dụng thư điện tử trong công việc; 40% các cuộc họp tổ chức trực tuyến; 100% các đơn vị, phòng học được kết nối mạng LAN và wifi với băng thông cao ổn định; gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu, nhất là các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, các hoạt động khoa học và công nghệ, tiến tới tự chủ chi đầu tư.
Để tổ chức thực hiện, Đề án giao Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo các nhiệm vụ: (i) Chịu trách nhiệm, toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác, đầy đủ và phù hợp pháp luật của các số liệu, thông tin cũng như toàn bộ nội dung liên quan đến trường Đại học Luật Hà Nội tại Đề án đối với Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo; (ii) Chỉ đạo các Trường thực hiện Đề án tổng thể và Đề án thành phần của mỗi trường; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền kết quả thực hiện Đề án; (iii) Phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể và các dự án có liên quan triển khai thực hiện Đề án. Riêng Bộ Tư pháp còn có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho viên chức quản lý và giảng viên của hai trường theo quy định của Đảng và của pháp luật./.
Nguyễn Thị Thạo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật