Ngày 01/10/2022, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-UBDT quy định trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Việc ban hành Thông tư số 03/2022/TT-UBDT nhằm bảo đảm công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi và thống nhất trong quá trình thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.
Thông tư số 03/2022/TT-UBDT gồm 08 chương, 44 điều, quy định về trình tự, thủ tục, soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, gồm:
- Luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi chung là dự án).
- Nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư của Bộ trưởng, Chủ nhiệm, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi chung là dự thảo).
Theo quy định tại Thông tư, trình tự, thủ tục, soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Dân tộc được tiến hành qua các bước sau:
(i) Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gồm:
- Đối với việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình được thực hiện theo trình tự sau: (1) Lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (2) Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (3) Lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (4) Kiểm tra hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (5) Gửi thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; (6) Trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết.
- Đối với việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Thông tư;
(ii) Xây dựng, thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban;
(iii) Soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết, việc soạn thảo được thực hiện thông qua Ban soạn thảo và Tổ biên tập.
- Đối với nghị định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm tùy từng trường hợp cụ thể quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập hoặc chỉ thành lập Tổ biên tập để soạn thảo nghị định.
- Việc soạn thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch được thực hiện thông qua Tổ soạn thảo. Trường hợp thông tư cần được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc các thông tư có yêu cầu xây dựng, trình hoặc ban hành gấp thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, cho phép soạn thảo văn bản mà không phải thành lập Tổ soạn thảo.
Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đơn vị soạn thảo phải lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định; tổng hợp, tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 24 của Thông tư cũng quy định rõ việc soạn thảo văn bản quy phạm theo thủ tục rút gọn.
(iv) Kiểm tra, thẩm định hồ sơ dự án, dự thảo xây văn bản quy phạm pháp luật, gồm 03 bước: (1) Gửi hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về Vụ Pháp chế kiểm tra, thẩm định; (2) Tiếp nhạn hồ sơ gửi kiểm tra, thẩm định; (3) Tổ chức kiểm tra, thẩm định; (4) Vụ pháp chế gửi văn bản kiểm tra hồ sơ, báo cáo thẩm định;
(v) Trình, ban hành, công bố, đính chính, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ về việc đính chính, việc tuyên truyền, phổ biến văn bản. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, đăng Công báo nếu phát hiện có sai sót thì phải được đính chính. Việc đính chính phải thể hiện bằng quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và phải được đăng Công báo. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo xây dựng kế hoạch phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Thông tư số 03/2022/TT-UBDT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2022.
Với việc quy định cụ thể, rõ ràng trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của từng đơn vị trong từng bước của quy trình, thủ tục, Thông tư số 03/2022/TT-UBDT chắc chắn sẽ giúp tăng cường hiệu quả, chất lượng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang chủ trì tham mưu, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030./.
Thụy An