Ngày 06 tháng 7 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 42/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (sau đây gọi là Thông tư số 42/2022/TT-BTC). Theo đó, từ 1/9/2022, mức chi soạn thảo các văn bản theo quy định tại Thông tư số 42/2022/TT-BTC được tăng cao hơn so với quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 338/2016/TT-BTC)
1. Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn hiện hệ thống pháp luật đối với trung ương
- Đối với dự án Luật ban hành mới hoặc thay thế được tăng từ mức 12 triệu đồng/dự thảo văn bản lên mức 18 triệu đồng/dự thảo văn bản.
- Đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết liên tịch, nghị định của Chính phủ:
Trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi là 11 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 7,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016.
Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi sẽ 6,5 triệu đồng/dự thảo văn bản thay cho mức 4,5 triệu đồng/ dự thảo văn bản.
- Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Văn bản ban hành mới hoặc thay thế, mức chi tăng từ 6 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 9 triệu đồng/dự thảo văn bản.
Văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.
- Đối với thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Trường hợp văn bản ban hành mới hoặc thay thế: Mức chi tăng từ 4 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 6 triệu đồng/dự thảo văn bản.
- Đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ:
Mức chi cho văn bản ban hành mới hoặc thay thế tăng từ 3,2 triệu đồng/dự thảo văn bản lên 4,8 triệu đồng/dự thảo văn bản.
- Đối với Tờ trình đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Mức chi 10 triệu đồng/tờ trình.
Đối với Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ: mức chi 6 triệu đồng/tờ trình.
- Về báo cáo đánh giá tác động của chính sách: Đối với luật, pháp lệnh, mức chi 20 triệu đồng/báo cáo; đối với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức chi 16 triệu đồng/báo cáo; đối với nghị định của Chính phủ, mức chi 12 triệu đồng/báo cáo; đối với các văn bản còn lại, mức chi 8 triệu đồng/báo cáo.
2. Định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn hiện hệ thống pháp luật đối với địa phương
2.1. Đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế
a) Đối với Nghị Quyết Hội đồng nhân dân
- Cấp tỉnh định mức là 30 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 10 triệu đồng/01 văn bản tăng 20 triệu đồng/01 văn bản).
- Cấp huyện định mức là 15 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 8 triệu đồng/01 văn bản tăng 7 triệu đồng/01 văn bản).
- Cấp xã định mức là 10 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 6 triệu đồng/01 văn bản tăng 4 triệu đồng/01 văn bản).
b) Đối với Quyết định của Ủy ban nhân dân
- Cấp tỉnh định mức là 20 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 10 triệu đồng/01 văn bản tăng 10 triệu đồng/01 văn bản).
- Cấp huyện định mức là 10 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 8 triệu đồng/01 văn bản tăng 2 triệu đồng/01 văn bản).
- Cấp xã định mức là 8 triệu đồng/01 văn bản.
(định mức theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 là 6 triệu đồng/01 văn bản tăng 2 triệu đồng/01 văn bản).
2.2. Đối với văn bản sửa đổi, bổ sung một
Định mức phân bổ kinh phí không quá 80% định mức phân bổ đối với văn bản được ban hành mới hoặc thay thế.
Ngoài ra Thông tư còn quy định mức chi cho các nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn hiện hệ thống pháp luật, như: Chi soạn thảo đề cương chi tiết, chi soạn thảo văn bản, chi soạn thảo các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Tờ trình, Bảng tổng hợp, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, Báo cáo nhận xét, đánh giá của người phản biện, thành viên hội đồng thẩm định, báo cáo tham luận, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản (nếu trong dự án, dự thảo có quy định thủ tục hành chính); trong trường hợp thuê dịch và hiệu đính tài liệu; lấy ý kiến tư vấn của chuyên gia độc lập; chi báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật... và những nội dung khác.
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật