Một số quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam

Ngày 31/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2022/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 58/2022/NĐ-CP). Theo đó,“Tổ chức phi chính phủ nước ngoài” là tổ chức phi lợi nhuận, quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài; có nguồn vốn hợp pháp từ nước ngoài; hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận và các mục đích khác; không quyên góp tài chính, vận động tài trợ, gây quỹ từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Nghị định số 58/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2022 và thay thế Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

1. Điểm mới của Nghị định số 58/2022/NĐ-CP
So với Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01/3/2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Nghị định số 58/2022/NĐ-CP có nhiều điểm mới, cụ thể như:
(i) Bỏ quy trình hai bước trong đăng ký và triển khai hoạt động (đăng ký hoạt động sau đó đăng ký thành lập Văn phòng dự án hoặc Văn phòng đại diện). Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thành lập Văn phòng đại diện với điều kiện giản tiện.
(ii) Đơn giản hoá và rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục cấp, gia hạn Giấy đăng ký xuống còn 30 ngày làm việc, thời hạn xử lý thủ tục sửa đổi, bổ sung, cấp lại xuống còn 25 ngày làm việc, giảm đáng kể so với quy định tại Nghị định 12 lần lượt là 45 và 30 ngày làm việc.
(iii) Quy định thống nhất thông tin trong đơn đề nghị đối với các loại thủ tục cấp, gia hạn; rút gọn thông tin trong đơn đề nghị đối với các loại thủ tục về sửa đổi, bổ sung, cấp lại giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính và minh bạch hoá các yêu cầu về thông tin.
(iv) Quy định về định nghĩa, cách thức, mục tiêu, nguyên tắc và nội dung khung về xây dựng và vận hành “Cơ sở dữ liệu về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài”, cho phép các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cơ quan thường trực Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, sau khi được cấp mã số và tài khoản định danh sẽ truy cập để xử lý thông tin theo chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mình.
(v) Phân định nhiệm vụ đăng ký hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và trách nhiệm quản lý hoạt động của các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong phần phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung các biện pháp quản lý hành chính nhà nước và các chế tài tương ứng để bảo đảm việc thực hiện quy định pháp luật của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
(vi) Bổ sung quy định về nội dung thẩm định và phân định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải quyết hồ sơ, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm không chồng chéo, không có khoảng trống trong quản lý.
(vii) Bổ sung quy định yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam; mọi hoạt động chuyển, nhận tiền và giải ngân cho các chương trình, dự án, phi dự án phải được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, tạo công cụ quản lý về tài chính và bảo đảm công khai, minh bạch.
(viii) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được linh hoạt lựa chọn hình thức đăng ký hoạt động giữa Giấy đăng ký hoạt động và Giấy đăng ký lập Văn phòng đại diện tùy theo nhu cầu và quy mô của tổ chức, dự án với thời gian xử lý Giấy đăng ký được rút ngắn và yêu cầu thông tin rút gọn.
(ix) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, được khen thưởng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
2. Một số nội dung của Nghị định số 58/2022/NĐ-CP cần lưu ý
a) Các hành vi bị cấm đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
- Tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác không phù hợp với lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật, xâm phạm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
- Tổ chức, thực hiện, tham gia các hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận, không phục vụ mục đích hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo.
- Tài trợ cho các hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền tại nước khác, các tổ chức khủng bố và các hoạt động khủng bố.
- Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động rửa tiền hoặc liên quan đến rửa tiền.
- Tổ chức, tham gia, tài trợ các hoạt động khác trái với đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam.
b) Điều kiện cấp Giấy đăng ký hoạt động đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
- Có tư cách pháp nhân hợp lệ theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thành lập.
- Có điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam.
- Có đề xuất cụ thể về dự kiến chương trình, dự án, phi dự án để hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam trong 03 năm.
- Có đề xuất Người đại diện tại Việt Nam.
c) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động gồm các văn bản sau:
-  01 đơn đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động.
- 01 bản sao Điều lệ và 01 bản sao Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
- 01 bản thống kê chi tiết các chương trình, dự án, phi dự án dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam trong 03 năm.
- 01 hồ sơ đề nghị chấp thuận Người đại diện gồm các văn bản sau: 01 Quyết định bổ nhiệm do người đứng đầu của tổ chức ký tên, đóng dấu; 01 bản tiểu sử của người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện; 01 bản lý lịch tư pháp của người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc nước mà người đó đã thường trú trong vòng 06 tháng gần nhất cấp; 01 bản sao hộ chiếu còn hiệu lực nếu người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện là người nước ngoài, 01 bản sao hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực nếu người được bổ nhiệm là người Việt Nam.
Các văn bản bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tăc có đi, có lại.
d) Quyền của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
- Hưởng các quyền lợi, ưu đãi về thuế, nhập khẩu hàng hóa và giấy phép lao động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho mục đích triển khai các chương trình, dự án, phi dự án hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tiếp nhận ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam qua tài khoản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Được khen thưởng về thành tích thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tự chấm dứt hoạt động khi không có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam./.
          Nguyễn Kim Thoa – Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật