Một số giải pháp phát trển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó xác định 07 nhóm giải pháp thực hiện.

* Các giải pháp phát triển thị trường:
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Tăng cường năng lực dự báo nhu cầu thị trường của cơ quan quản lý nhằm hoạch định chiến lược sản phẩm đúng hướng; tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giày tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng thông qua các hoạt động tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, tổ chức các lớp huấn luyện về phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, kết nối kinh doanh.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường thường xuyên, đầy đủ chính xác và kịp thời; đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng kế hoạch phát triển các thương hiệu dệt may, da giầy Việt Nam; đẩy mạnh, phổ biến và nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tác động của các Hiệp định thương mại tự do, giúp các doanh nghiệp hạn chế được những rủi ro; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về pháp luật thương mại quốc tế.
Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; xác định một số thị trường tiềm năng để định hướng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, thanh toán...; xúc tiến việc xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường. Đối với thị trường trong nước: đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có chế tài xử lý nghiêm đối với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước; có các biện pháp kiểm soát chống gian lận xuất xứ; ban hành và triển khai các chính sách bảo vệ người tiêu dùng và thị trường trong nước; xây dựng kế hoạch khai thác thị trường nội địa, phát triển hình thức thương mại điện tử.
- Đối với doanh nghiệp: Xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường; đầu tư, nâng cao năng lực marketing; tích cực theo dõi diễn biến thị trường; chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế để chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành Dệt May và Da Giầy; tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; xây dựng và đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức và phát triển mạng lưới bán lẻ trong nước.
* Các giải pháp thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước:
Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng thông thoáng, hấp dẫn, đảm bảo phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế; tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào công đoạn có giá trị gia tăng cao; xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư các dự án; thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành Dệt May và Da Giầy; chú trọng và từng bước phát triển, thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Phát triển chuỗi giá trị trong nước; đẩy mạnh phát triển thời trang dệt may, da giầy; khuyến khích thành lập hiệp hội hoặc chi hội về thời trang dệt may, da giầy; thúc đẩy liên kết thời trang Việt Nam với các hiệp hội thời trang thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành thời trang dệt may, da giầy; triển khai và đẩy mạnh các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; giữa tập đoàn, doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vệ tinh; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ; khuyến khích các thương hiệu lớn đang có mặt tại Việt Nam tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin về nguyên, phụ liệu.
* Giải pháp phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất:
- Đối với ngành Dệt May: Phát triển đầu tư các dự án sản xuất nguyên liệu tổng hợp dẫn xuất từ dầu mỏ; sản xuất xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới, thân thiện môi trường; sản xuất dệt, nhuộm, hoàn tất và công nghiệp hỗ trợ; Hình thành một số khu, cụm công nghiệp hỗ trợ ngành tại các địa phương và các vùng kinh tế trọng điểm. Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý nước thải, chất thải trong các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành đã được quy hoạch; Tổ chức quảng bá thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Xúc tiến thu hút một số nhà đầu tư, thương hiệu sản xuất nguyên phụ liệu có uy tín trên thế giới; Thúc đẩy và khuyến khích hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp trong ngành xơ sợi, dệt, nhuộm.
- Đối với ngành Da Giầy: Đầu tư phát triển ngành Da Giầy gắn với hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự dịch chuyển sản xuất từ các nước trong khu vực và trên thế giới; khuyến khích thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành Da Giầy; Khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng nguyên, vật liệu khuyết thiếu. Ưu tiên thu hút các dự án sản xuất da thuộc sinh thái thân thiện môi trường; các dự án sản xuất giầy da chất lượng cao; Triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư tại các thị trường tập trung đông doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu da giầy; xây dựng danh sách các doanh nghiệp chủ sở hữu các thương hiệu sản xuất da thuộc, nguyên liệu mũ da, túi xách lớn của thế giới nhằm tập trung xúc tiến các doanh nghiệp này đầu tư vào Việt Nam; chuẩn bị sẵn sàng thông tin đầu tư, thông tin về các dịch vụ tại địa phương, quỹ đất dành cho các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất nguyên, phụ liệu da giầy.
* Các giải pháp về tổ chức quản lý:
- Đơn giản hoá thủ tục hành chính trong các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh; Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, thuộc da, sản xuất phụ tùng, phụ kiện, phụ liệu, hoá chất, thuốc nhuộm, chất trợ...
- Quy hoạch tập trung các nhà máy xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, thuộc da và trung tâm nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thực tế; hình thành các tổ hợp xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, thuộc da tập trung; khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến.
- Xây dựng chính sách cho doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy thuộc đối tượng phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn quản lý chất lượng phù hợp với quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện và triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các hoạt động tái sử dụng/tái chế/cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp sản xuất.
- Tăng cường công tác điều phối phát triển theo vùng, lãnh thổ nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng; nâng cao hiệu quả khả năng truy xuất thông qua cập nhật định kỳ danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng dệt may và da giầy có nguy cơ bị điều tra phòng vệ Thương mại, điều tra lẩn tránh thuế; đẩy mạnh vai trò của các Hiệp hội ngành nghề trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; tái cấu trúc các ngành xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất, may mặc và ngành sản xuất da, sản phẩm giầy dép; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại
* Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, kỹ thuật, thiết kế và công nhân đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong ngành; xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, mở rộng hệ thống đào tạo trong các trường đào tạo chuyên ngành Dệt May và Da Giầy; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo trong cả nước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị công nghệ, chuyển giao công nghệ; hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất.
* Các giải pháp đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt May, Da Giầy: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch trong ngành Dệt May, Da Giầy; ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới; tăng cường tái chế, tái sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, chất thải; tập trung ưu tiên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá, thân thiện với môi trường; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành Dệt May, Da Giầy đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ thông qua các đề tài, dự án phục vụ phát triển sản xuất; tăng cường năng lực nghiên cứu cho các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành Dệt May, Da Giầy; xây dựng chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh các nghiên cứu về vật liệu và hoá chất mới; tổ chức các khoá đào tạo và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp.
* Các giải pháp, cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn: Xây dựng chính sách về đầu tư, tín dụng, thuế cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May và Da Giầy; xây dựng và triển khai các chương trình về tín dụng cho các dự án phát triển khu công nghiệp tập trung, xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp chuyên ngành Dệt May và Da Giầy; xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở đào tạo nghề xơ sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, thuộc da như miễn, giảm thuế thu nhập, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, xây dựng trường, xưởng thực hành, miễn thuế nhập khẩu các thiết bị giảng dạy, giáo cụ; xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nhân lực bậc cao bằng các hình thức nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo.