Việc ban hành và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta. Kết quả thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, từ đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở mỗi địa phương và trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã bộc lộc một số hạn chế, bất cập trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 10/11/2022. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được xây dựng trên quan điểm: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Kết luận số 120-KL/TW; Thông báo kết luận số 160-TB/TW và các văn bản có liên quan; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kế thừa, phát triển và hoàn thiện những quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp.
1. Một trong những điểm mới của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là quy định về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, Điều 4 của Luật quy định về phạm vi thực hiện như sau: Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú ; Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định ; Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
2. Tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 như: Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Để quyền thực hiện dân chủ của người dân được bảo vệ và đảm bảo tính nghiêm minh, Tại Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bổ sung thêm 02 hành vi bị nghiêm cấm như sau: Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
Việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo cho dân chủ thực chất, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của công dân, góp phần hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.