Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Thông tư số 21/2022/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di dộng mặt đất công cộng”
Ngày 29/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Thông tư số 21/2022/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di dộng mặt đất công cộng”. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng, Ký hiệu QCVN 8:2010/BTTTT quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 18/2010/TT-BTTTT ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này áp dụng cho các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng có ăng ten lắp đặt ngoài trời, hoạt động trong dải tần từ 110 MHz đến 6 GHz. Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trạm gốc điện thoại di động hoạt động phát tín hiệu thông tin di động trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Quy chuẩn, một số khái niệm được hiểu như sau:
- Ăng ten (antenna): Thiết bị thực hiện việc chuyển đổi năng lượng giữa sóng được dẫn hướng (ví dụ trong cáp đồng trục) và sóng trong môi trường không gian tự do, hoặc/và ngược lại. Ăng ten có thể được sử dụng để phát hoặc/và thu tín hiệu vô tuyến. Trong Quy chuẩn này, nếu không có quy định cụ thể, thuật ngữ ăng ten được dùng để chỉ ăng ten phát.
- Máy phát (transmitter): Thiết bị phát ra tần số vô tuyến điện và được nối với ăng ten cho mục đích truyền thông tin.
- Trạm gốc (Base Station - BS): Thiết bị cố định sử dụng để truyền sóng vô tuyến được sử dụng trong mạng di động mặt đất công cộng. Trong phạm vi của Quy chuẩn này, thuật ngữ trạm gốc bao gồm các máy phát vô tuyến và ăng ten đi kèm.
- Thiết bị cần đo kiểm (Equipment Under Test - EUT): Trạm gốc cần phải đo theo phương pháp đo quy định trong Quy chuẩn này.
- Nguồn liên quan (Relevant Source - RS): Nguồn bức xạ vô tuyến trong dải tần từ 100 KHz đến 6 GHz có tỷ lệ phơi nhiễm lớn hơn 0,05 tại một điểm đo (PI) xác định.
- Tính đẳng hướng (isotropy): Đặc tính vật lý không thay đổi trong mọi hướng.
- Ăng ten đẳng hướng theo phương nằm ngang (horizontal omnidirectional antenna): Loại ăng ten bức xạ vô tuyến điện có công suất bằng nhau theo mọi hướng trong mặt phẳng ngang.
- Ăng ten định hướng (directivity antenna): Loại ăng ten bức xạ vô tuyến điện theo một hướng nhất định.
- Ăng ten thông minh (smart antenna): Loại ăng ten phát ra chùm tia hẹp đồng thời hướng đến người dùng cá nhân để tối ưu hóa thông tin liên lạc có điều chỉnh định hướng bức xạ công suất tức thời cho từng kênh truyền thông riêng lẻ. Ăng ten thông minh gồm ăng ten đơn lẻ (MIMO) hoặc ăng ten tích hợp nhiều phần tử phát xạ trên một bề mặt bức xạ (mMIMO).
- Điểm đo (Point of Investigation - PI): Vị trí nằm trong vùng đo (DI) nơi thực hiện đo các giá trị trường điện E, trường từ H hoặc mật độ công suất S.
- Điểm tham chiếu (Reference Point - RP): Đối với ăng ten dạng tấm thì điểm tham chiếu là tâm của tấm phản xạ sau (rear reflector). Đối với ăng ten đẳng hướng theo phương nằm ngang thì điểm tham chiếu là tâm của ăng ten.
- Đường biên tuân thủ (Compliance Boundary - CB): Đường biên tuân thủ của EUT là đường biên giới hạn xung quanh ăng ten phát của EUT mà bên ngoài đường biên đó mức phơi nhiễm do EUT gây ra nhỏ hơn mức phơi nhiễm giới hạn cho phép (không tính đến ảnh hưởng của các nguồn bức xạ khác). Vùng tuân thủ của EUT là vùng thể tích được bao bởi đường biên tuân thủ, là vùng mà người dân không được tiếp cận.
- Vùng liên quan (Relevant domain - RD): Vùng xung quanh ăng ten, trong đó tỷ lệ phơi nhiễm do ăng ten đó gây nên lớn hơn 0,05.
- Vùng thâm nhập (Public Access - PA): Nơi có thể diễn ra các hoạt động đi lại, sinh hoạt trong điều kiện bình thường của người dân.
- Vùng đo (Domain of Investigation - DI): Phân vùng của vùng liên quan nơi người dân có thể tiếp cận khi trạm gốc đã được đưa vào hoạt động.
- Mật độ công suất (power density - S): Công suất bức xạ tới vuông góc với một bề mặt, chia cho diện tích bề mặt đó. Mật độ công suất có đơn vị là W/m2.
- Mức giới hạn phơi nhiễm (exposure level): Mức giới hạn phơi nhiễm được dùng để so sánh với các giá trị phơi nhiễm. Trong dải tần từ 100 KHz đến 6 GHz, các mức giới hạn phơi nhiễm có thể là giá trị cường độ trường điện, cường độ trường từ hoặc mật độ công suất.
- Mức hấp thụ riêng (Specific Absorption Rate - SAR): Mức theo thời gian mà năng lượng RF truyền vào một đơn vị khối lượng sinh học, biểu thị bằng Oát trên kilôgam (W/kg).
- Phơi nhiễm (exposure): Hiện tượng xuất hiện khi con người bị đặt trong trường RF hoặc dòng điện tiếp xúc.
- Phơi nhiễm không do nghề nghiệp (non-occupational exposure): Phơi nhiễm không do nghề nghiệp là phơi nhiễm của con người, không phải do trong khi làm việc hoặc do công việc.
- Trở kháng không gian tự do (intrinsic impedance of free space): Tỷ số giữa cường độ trường điện với cường độ trường từ của sóng điện từ lan truyền trong không gian. Trở kháng đặc tính của sóng phẳng trong không gian tự do (trở kháng không gian tự do) xấp xỉ bằng 377 Ω (hay 120 πΩ).
Quy chuẩn quy định kỹ thuật, bao gồm: (i) Giới hạn phơi nhiễm không do nghề nghiệp; (ii) Phương pháp xác định tỷ lệ phơi nhiễm tổng cộng; (iii) Phương pháp xác định các vùng (Vùng tuân thủ; Vùng thâm nhập; Vùng liên quan; Vùng đo (DI); (iv) Phương pháp đo; (v) Đánh giá tỷ lệ phơi nhiễm tổng cộng.
Quy chuẩn quy định về quản lý, đó là (i) Trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng phải phù hợp các quy định tại Quy chuẩn này; (ii) Phương tiện đo, thiết bị đo: tuân thủ quy định của pháp luật đo lường.
Quy chuẩn quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân: Các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm đảm bảo các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng phù hợp với Quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật