Ngày 22/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2022 và có một số điểm mới cơ bản so với Nghị định số 36/2017/NĐ-CP:
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao 27 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ cho phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo hợp lý, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định, bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Thông báo kết luận số 49/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 26/4/2022 về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về lĩnh vực đất đai, Nghị định xác định rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất đất đai trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia sau khi Quốc hội quyết định; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cấp quốc gia; thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh; thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ về xây dựng kế hoạch tổng thể và tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá đất đai các vùng và cả nước theo định kỳ và chuyên đề; công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của cả nước, các vùng; xây dựng và quản lý thống nhất hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên đất trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện điều tra, đánh giá đất đai của cấp tỉnh.
Về lĩnh vực tài nguyên nước, có một số điểm mới cơ bản như bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước để bảo đảm an ninh nguồn nước; quy định rõ nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước khu vực lưu sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lưu vực sông liên tỉnh; bổ sung nhiệm vụ xây dựng báo cáo tài nguyên nước quốc gia…
Về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, bổ sung và làm rõ các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực địa chất như xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược về địa chất; nghiên cứu, điều tra cơ bản về địa chất, địa chất công trình - địa chất thủy văn, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất; khoanh định, công bố khu vực có phóng xạ, di sản địa chất, công viên địa chất. Bổ sung nhiệm vụ xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Về lĩnh vực môi trường, sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ về hướng dẫn xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh; tổ chức xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng; lập, trình phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy định rõ các nhiệm vụ liên quan đến đánh giá tác động môi trường; hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; bổ sung nhiệm vụ đề xuất chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường, phát hành trái phiếu xanh và các công cụ kinh tế khác để huy động, sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường...
Về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ gồm các điểm cơ bản về hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học và chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên không bao gồm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Làm đầu mối quốc gia thực hiện các điều ước quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo phân công của Chính phủ. Chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới và các di sản thiên nhiên khác được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của pháp luật. Làm đầu mối quốc gia thực hiện các điều ước quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo phân công của Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ đề cử công nhận và quản lý các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar, vườn di sản của ASEAN, khu Dự trữ sinh quyển thế giới và các di sản thiên nhiên khác được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định của pháp luật.
Về lĩnh vực khí tượng thủy văn, có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản về các nhiệm vụ tổ chức bảo vệ (cũ: hành lang kỹ thuật) công trình khí tượng thủy văn thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; tổ chức thu thập và xử lý thông tin, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai; tiếp nhận thông tin phản hồi của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân về chế độ phát tin, chất lượng, độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai, việc sử dụng cấp độ rủi ro thiên tai trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó với thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ hằng năm theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trên phạm vi cả nước theo quy định; tổ chức thẩm định các kịch bản cảnh báo sóng thần đối với Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Về lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý, bổ sung nhiệm cấp, gia hạn, cấp lại, cấp đổi và thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; xây dựng, cập nhật, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; công trình hạ tầng đo đạc cơ bản, Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam…
Về lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, các điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản gồm nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch không gian biển quốc gia; quản lý hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật;xem xét, chấp thuận bằng văn bản theo thẩm quyền về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển để tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học; đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển; quản lý rác thải nhựa đại dương theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều phối tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về lĩnh vực biến đổi khí hậu, có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản về nhiệm vụ tổ chức thực hiện giám sát phát thải khí nhà kính; triển khai hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, cập nhật, tổ chức triển khai, quản lý và giám sát việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tổ chức thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính, kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng tiêu chí ưu tiên, tổ chức rà soát, xác định danh mục dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu; có ý kiến về các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ liên quan đến biến đổi khí hậu của các bộ, ngành, địa phương…
Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó 22 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, 07 Bộ, 12 Cục và Tổng cục Khí tượng thủy văn) và 05 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường). Hai đơn vị quy định rõ số lượng phòng theo hướng mỗi đơn vị có 03 phòng, đó là Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ.