Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở

Nhằm góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cơ sở, để thông tin cơ sở thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền thiết yếu, phát huy sức mạnh ở cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở.

Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương với 34 Điều quy định về cách thức tổ chức và quy trình thực hiện hoạt động thông tin cơ sở; trách nhiệm quản lý nhà nước về thông tin cơ sở; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin cơ sở.
Theo dự thảo, hoạt động thông tin cơ sở là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là người dân ở cơ sở); tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở cơ sở và thông tin nội dung trả lời của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông qua các loại hình; đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; tuyên truyền viên cơ sở; tin nhắn viễn thông; mạng xã hội.
Bên cạnh đó, ban soạn thảo dự thảo Nghị định cũng đề xuất các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và thôn, tổ dân phố được sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam để cung cấp, chia sẻ, trao đổi các nội dung thông tin thiết yếu (tin, bài, ảnh, video clip, file âm thanh, đồ họa thông tin – infographic) và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân ở cơ sở.
Nội dung thông tin thiết yếu được cung cấp, chia sẻ, trao đổi và tiếp nhận trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam phải tuân theo quy định nội dung thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở tại Nghị định; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở, tổ chức và tuân thủ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Các bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới được phép tổ chức tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông. Người đứng đầu bộ, ngành trung ương quyết định nội dung, thời lượng tin nhắn tuyên truyền đến các thuê bao viễn thông trong cả nước hoặc từng khu vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nội dung, thời lượng tin nhắn tuyên truyền đến các thuê bao viễn thông ở địa bàn cấp tỉnh. Đối với tin nhắn viễn thông trong tình trạng khẩn cấp, Trưởng Ban chỉ đạo tình trạng khẩn cấp gửi yêu cầu bằng văn bản, hộp thư điện tử công vụ trong đó nêu rõ nội dung thông tin, đề xuất hình thức, quy mô thuê bao viễn thông nhận thông tin đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Căn cứ theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định hình thức, quy mô thuê bao nhận thông tin và các biện pháp huy động các mạng và dịch vụ, các phương tiện, thiết bị thông tin và truyền thông phục vụ tình trạng khẩn cấp và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông thực hiện. Các doanh nghiệp viễn thông truyền tải nguyên vẹn nội dung thông tin tuyên truyền qua tin nhắn do Trưởng Ban chỉ đạo tình trạng khẩn cấp yêu cầu và không chịu trách nhiệm về nội dung. Tin nhắn viễn thông trong tình trạng khẩn cấp không tính giá.
Hiện dự thảo đã được gửi văn bản để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan; đồng thời, toàn văn dự thảo đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến Nhân dân đến hết ngày 20/8/2023 trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại địa chỉ: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-hoat-dong-thong-tin-co-so-5707.
 
 
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 01/6/2023, cả nước có 9.959 đài truyền thanh cấp xã/10.598 xã, phường, thị trấn, với trên 13.000 nhân sự kiêm nhiệm hoặc hoạt động không chuyên trách; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, với trên 7.000 nhân sự; hơn 6.500 trang thông tin điện tử (bản tin điện tử) của Ủy ban nhân dân cấp xã; hơn 1.100 bảng tin điện tử công cộng của Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.
So với các loại hình truyền thông khác như báo chí in, báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình..., hệ thống thông tin cơ sở đang có số lượng đối tượng quản lý và lực lượng nhân sự làm công tác tuyên truyền đông gấp rất nhiều lần.
Hệ thống thông tin cơ sở có vai trò là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp với người dân ở cơ sở, cung cấp thông tin thiết yếu sát với nhu cầu của nhóm nhỏ người dân (khác với thông tin báo chí); với khả năng cung cấp thông tin tức thời; là phương tiện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
 
Đỗ Thị Nhẫn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật