Thông tư này hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 90/QĐ-TTg), gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Tiêu dự án 2 Dự án 4).
Đối tượng áp dụng theo Thông tư gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi cả nước; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Doanh nghiệp,
Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Đối tượng hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điềm b mục 2 Phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg.
Thông tư quy định phương thức hỗ trợ như sau: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù.
Về nguyên tắc hỗ trợ, Thông tư quy định phải đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Phù hợp với lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng, miền; phù hợp với nhu cầu thị trường và bảo đảm tính hiệu quả bền vững; Phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); Ưu tiên hỗ trợ tham gia dự án mô hình giảm nghèo đối với người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện dự án mô hình giảm nghèo; Ưu tiên hỗ trợ dự án mô hình giảm nghèo thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường; Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm.
Thông tư nêu rõ các nội dung hỗ trợ gồm: Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ; Vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; Hỗ trợ chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tố nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm; Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả; Tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao; Xây dựng, quản lý dự án.
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đối tượng hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điểm b mục 4 Phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg.
Thông tư quy định phương thức hỗ trợ như sau:
Đối với hoạt động hỗ trợ người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài: Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp khi tuyển chọn lao động tại các các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trường hợp người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề, đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm hỗ trợ người lao động cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để nhận hỗ trợ.
Giới thiệu, tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động và thân nhân người lao động, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ đúng đối tượng, nội dung quy định tại điểm b mục 4 Phần III Quyết định số 90/QĐ-TTg, phù hợp với nhu cầu của người lao động; Bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, bình đẳng giới.
Nội dung hỗ trợ: Người lao động thuộc hộ nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 15/2022/TT-BTC); Người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và hỗ trợ các chi phí khác theo khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC; Người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Hỗ trợ tiền đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề; Người lao động và thân nhân của người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo: Hỗ trợ giới thiệu, tư vấn để tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận: Hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 7 năm 2022.