Tất cả những vướng mắc trong việc cấp GCN suốt 2 năm thi hành Luật Đất đai vừa qua - điều mà Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ gọi là "những khó khăn cuối cùng phải vượt qua", dự kiến sẽ được giải quyết hết trong nghị định này. Ông Võ cho biết:
- Vấn đề lớn nhất sẽ được giải quyết trong nghị định này là việc cấp GCN hoặc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đối với trường hợp đất không có giấy tờ. Tinh thần chung là đất sử dụng ổn định không phải đất lấn chiếm, không có tranh chấp mà phù hợp quy hoạch sẽ được cấp sổ đỏ; nếu không phù hợp quy hoạch và phải thu hồi đất sẽ được bồi thường. Để tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và xử lý việc này một kiểu như hiện nay, trước hết nghị định làm rõ khái niệm thế nào là đất sử dụng ổn định và thế nào là đất lấn chiếm.
Đất sử dụng ổn định từ một thời điểm là đất được sử dụng liên tục từ thời điểm đó theo mục đích sử dụng tại thời điểm cấp GCN, bất kể nó đã được chuyển quyền qua bao nhiêu chủ sử dụng. Đây cũng là lần đầu tiên nghị định quy định rõ các loại giấy tờ được lấy làm căn cứ để xác định thời điểm sử dụng đất ổn định. Lần này thì biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất... cũng được coi là căn cứ.
Cũng rõ ràng như vậy, nghị định đưa ra quy định đất bị coi là lấn chiếm và không được cấp GCN nếu như đó là đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè đã có chỉ giới xây dựng; lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng vẫn cố tình vi phạm.
|
* Thưa ông, trong thực tế có trường hợp đúng là đất lấn chiếm nhưng chưa từng có văn bản xử lý hành chính của cấp chính quyền thì có được cấp giấy không?
- Như tôi nói ở trên, trừ khi đó là lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè (đã có chỉ giới); lấn chiếm đất công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức; lấn chiếm vào đất đã quy hoạch và được công bố còn các loại trạng thái khác có thể được xem xét cấp GCN nếu không có tranh chấp. Chẳng hạn, người ta đã có chỉ giới đây là vỉa hè mà anh lại làm nhà trên đó thì dù chưa từng bị xử lý vi phạm hành chính trong quá khứ (do quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương) thì nay cũng không được xét cấp giấy và không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Một ví dụ khác, trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để làm nhà ở từ khi chưa có quy hoạch, chưa có Luật Đất đai thì nay được cấp GCN nếu phù hợp quy hoạch hoặc không phù hợp nhưng chưa có thông báo bị thu hồi đất.
* Trong dự thảo nghị định có quy định 5 hành vi nếu người sử dụng đất vi phạm đất đó không được cấp giấy, trong đó có việc vi phạm quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai. Thế trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không chịu công khai quy hoạch và người dân vi phạm thì tính sao?
- Khi đưa chữ "công khai" vào nghị định cũng có 2 ý kiến khác nhau, đưa vào hay không đưa vào, đây là một khái niệm cần cân nhắc kỹ lưỡng. Chữ "công khai" có ý mở cho người dân được lợi nhiều hơn, vì trong thực tế từ trước đến nay có nhiều quy hoạch được duyệt nhưng không công khai cho dân biết, thậm chí còn bí mật, chỉ đến khi người dân vi phạm hoặc có tranh chấp phát sinh thì mới lôi quy hoạch ra để xử.
Như thế là không công bằng. Vụ các hộ dân thuộc dự án đường vành đai III (Hà Nội) đang khiếu kiện là một ví dụ, việc lôi một bản quy hoạch do Liên Xô làm từ năm 1981 mà chẳng ai được biết ra để làm căn cứ nói rằng người dân đã vi phạm quy hoạch và không được bồi thường là việc không hợp lý. Chắc nghị định cũng phải định nghĩa thêm thế nào là "công khai" quy hoạch trong lịch sử để áp dụng thống nhất.
* Xin cảm ơn ông.
(Theo Thanh niên)