Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Phạm vi điều chỉnh
Thông tư số 32/2017/TT-BCT điều chỉnh các loại biểu mẫu để các tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng trong quá trình: lập hồ sơ đề nghị và thẩm định, cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; lập hồ sơ đề nghị và thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; mẫu Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; các biểu mẫu báo cáo trong hoạt động hóa chất
Theo thông tư số 17/2022/TT-BCT, quy định này được sửa thành: Một số loại biểu mẫu bao gồm: mẫu Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc; các biểu mẫu báo cáo hoạt động hóa chất; các biểu mẫu sử dụng trong quá trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp
Giấy phép cấp mới có thời hạn hiệu lực là 5 năm kể từ ngày cấp. Đối với hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POP), thời hạn của Giấy phép là 5 năm kể từ ngày cấp hoặc bằng thời hạn đăng ký miễn trừ quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, căn cứ theo thời hạn nào đến trước.
Thời hạn của Giấy phép cấp lại và cấp điều chỉnh bằng thời hạn còn lại của Giấy phép đã cấp.
Phân loại và ghi nhãn hóa chất
Thông tư số 32/2017/TT-BCT quy định việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này. Nhãn hóa chất bao gồm các nội dung sau: tên hóa chất; mã nhận dạng hóa chất (nếu có); hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ (nếu có); biện pháp phòng ngừa (nếu có); định lượng; thành phần hoặc thành phần định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng (nếu có); tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hóa chất; xuất xứ hóa chất; hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Theo thông tư số 17/2022/TT-BCT, quy định này được sửa thành: Việc ghi nhãn hóa chất được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa và được hướng dẫn tại Phụ lục 8 kèm theo Thông tư này.
Thông tư số 17/2022/TT-BCT cũng sửa đổi quy định hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm, cụ thể hình đồ cảnh báo trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm được quy định tại Phụ lục III Mẫu nhãn, biểu trưng hàng hóa nguy hiểm ban hành kèm theo Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.
Chế độ báo cáo
Theo thông tư số 32/2017/TT-BCT, trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của năm trước theo Mẫu số 05a quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này gửi Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tiến hành hoạt động hóa chất để tổng hợp, quản lý, đồng thời gửi Cục Hóa chất; sau khi hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia được hoàn thiện, chế độ báo cáo định kỳ quy định tại điểm a khoản này sẽ được thực hiện thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo đột xuất tình hình hoạt động hóa chất khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất hoặc chấm dứt hoạt động hóa chất đến Sở Công Thương nơi tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý hóa chất và tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý theo Mẫu số 05b quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này gửi Cục Hóa chất trước ngày 20 tháng 01 hàng năm,.
Thông tư số 17/2022/TT-BCT đã sửa đổi quy định về chế độ báo cáo. Cụ thể, trước ngày 15 tháng 02 hàng năm, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động hóa chất của năm trước theo Mẫu số 05a quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này đến Cục Hóa chất, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (https://chemicaldata.gov.vn/cms.xc); tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp có trách nhiệm báo cáo khi có sự cố xảy ra trong hoạt động hóa chất hoặc chấm dứt hoạt động hóa chất đến Cục Hóa chất, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính và nơi đặt địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo công tác quản lý hoạt động hóa chất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý theo Mẫu số 05b quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này đến Cục Hóa chất thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia trước ngày 01 tháng 3 hàng năm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 12 năm 2022. Chế độ báo cáo của tổ chức, cá nhân và Sở Công Thương quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 12 năm 2023.