Theo
Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có một số điểm mới nổi bật sau:
Cụ thể hóa chức năng của Bộ Tư pháp đối với trợ giúp pháp lý và công tác pháp chế
Điều 1 của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP tiếp tục kế thừa vị trí, chức năng của Bộ Tư pháp quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP:
“Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ”. Trong đó, Nghị định mới bổ sung chức năng về trợ giúp pháp lý và công tác pháp chế nhằm thể chế hóa chức năng quan trọng của Bộ Tư pháp triển khai qua nhiều năm theo quy định của luật chuyên ngành tại Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp đã được rà soát, sửa đổi đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý với các bộ, ngành khác. Điều 2 của Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định bổ sung 03 khoản so với Nghị định số 96/2017/NĐ-CP. Cụ thể, Nghị định mới đã cập nhật, bổ sung một số nhiệm vụ thống nhất với quy định tại các văn bản luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp như: tiếp cận thông tin; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; công tác pháp luật quốc tế; hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp và pháp luật… Bên cạnh đó, các nhóm nhiệm vụ đã được sắp xếp lại so với Nghị định số 96/2017/NĐ-CP để đảm bảo quy định ngắn gọn và có tính liên kết giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp được kiện toàn trên nguyên tắc kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. So với Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, hiện nay cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp quy định tại Điều 3 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP đã giảm 02 đơn vị, trong đó sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ, sáp nhập Cục Công tác phía Nam vào Văn phòng Bộ. Một số đơn vị thuộc Bộ được chuyển đổi mô hình theo yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, cụ thể: chuyển đổi Cục Con nuôi thành Vụ Con nuôi, chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, đổi tên Viện Khoa học pháp lý thành Viện Chiến lược và khoa học pháp lý nhằm thực hiện Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.
Điều 3 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP đã bỏ các quy định mang tính liệt kê số lượng phòng thuộc Văn phòng, Thanh tra thuộc Bộ và số lượng phòng của các Cục trong Nghị định để phù hợp với quy định của Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Dự kiến trong thời gian tới, cơ cấu tổ chức của các Cục thuộc Bộ sẽ tiếp tục được rà soát theo hướng thu gọn cấp trung gian và đáp ứng các tiêu chí thành lập Phòng theo quy định của Nghị định số 101/2020/NĐ-CP.
Nghị định số 98/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Con nuôi, Cục Công tác phía Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Con nuôi.