1. Một hình thức trợ giúp pháp lý cộng đồng
Để làm rõ vị trí pháp lý, phân định tính chất, phạm vi hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động trợ giúp pháp lý, Điều 1 Điều lệ mẫu khẳng định Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Câu lạc bộ) là hình thức hoạt động trợ giúp pháp lý cộng đồng, được lập ra để người được trợ giúp pháp lý và những người có hoàn cảnh đặc biệt khác ở địa phương tham gia sinh hoạt, trao đổi những vướng mắc pháp luật của họ với nhau nhằm tăng cường khả năng tự giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết vướng mắc thông qua tư vấn pháp luật, giúp đỡ kiến thức pháp luật để hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
2. Xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước với tự quản của cộng đồng
Trên cơ sở tổng kết việc thành lập điểm Câu lạc bộ, kết hợp giữa quản lý nhà nước và tự quản của xã hội, tạo ra sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ sinh hoạt, theo Điều 2 Điều lệ mẫu, Câu lạc bộ chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và Phòng Tư pháp. Câu lạc bộ do Ban Tư pháp trực tiếp điều hành thông qua Ban Chủ nhiệm. Hằng năm, Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động báo cáo Ban Tư pháp để trình Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
Để duy trì truyền thống đoàn kết cộng đồng, loại trừ tình trạng lợi dụng sinh hoạt để gây mất trật tự an toàn xã hội, Điều lệ mẫu cũng quy định nội dung thảo luận trong sinh hoạt phải phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm các hình thức lợi dụng sinh hoạt Câu lạc bộ để kích động, gây chia rẽ đoàn kết cộng đồng, các hành vi gây rối làm mất trật tự công cộng và các hành vi khác làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
3. Đề cao vai trò của Ban Chủ nhiệm với tư cách là nhóm nòng cốt
Để Câu lạc bộ hoạt động có chất lượng, hiệu quả, vận động được nhiều người dân tham gia sinh hoạt, Điều lệ mẫu quy định số lượng, tiêu chuẩn và thành phần Ban Chủ nhiệm. Theo đó, Ban Chủ nhiệm có từ 03 đến 05 thành viên là những người có uy tín, có kiến thức hiểu biết pháp luật và khả năng tổ chức, điều hành sinh hoạt tập thể và được lựa chọn trong số những người là thành viên Ban Tư pháp hoặc người đứng đầu các tổ chức đoàn thể xã hội; tổ viên Tổ hoà giải, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, sóc, già làng, trưởng bản, người đã từng là cán bộ, công chức nay đã nghỉ hưu hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý cư trú ở địa phương. Ban Tư pháp lập danh sách thành viên dự kiến bầu vào Ban Chủ nhiệm để Hội nghị toàn thể các thành viên và các đối tượng tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ lần thứ nhất bầu Ban Chủ nhiệm và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phê duyệt kết quả. Việc bổ sung, thay thế thành viên Ban Chủ nhiệm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định sau khi có ý kiến thống nhất giữa Ban Chủ nhiệm với Ban Tư pháp (Điều 3).
Ban Chủ nhiệm là nhóm nòng cốt, có nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động; phân công thành viên chuẩn bị nội dung; lập danh sách và theo dõi tham gia sinh hoạt của người được trợ giúp pháp lý; thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; giới thiệu và hướng dẫn thủ tục tiếp cận với Trung tâm, Chi nhánh hoặc cộng tác viên; tham gia hỗ trợ Trung tâm, Chi nhánh khảo sát nhu cầu, tổ chức triển khai trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật và đề xuất cấp uỷ đảng, chính quyền về các nội dung có liên quan trong quá trình sinh hoạt Câu lạc bộ cũng như đề xuất Trung tâm, Chi nhánh hoặc Phòng Tư pháp triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý (Điều 4).
Ban Chủ nhiệm làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số về các vấn đề thuộc nhiệm vụ của Ban Chủ nhiệm. Khi tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Ban Chủ nhiệm được khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn để làm tài liệu sinh hoạt; có trách nhiệm mời người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ viên Tổ hoà giải, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, sóc, già làng, trưởng bản người đã từng là cán bộ, công chức nay đã nghỉ hưu đến tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ để hỗ trợ, khuyến khích hoạt động.
4. Mở rộng diện người được tham gia sinh hoạt
Để Câu lạc bộ thật sự là một hình thức hoạt động cộng đồng, mang tính mở, Điều lệ mẫu không quy định về vấn đề Hội viên (tiêu chuẩn, trình tự thủ tục gia nhập và chấm dứt tư cách Hội viên) mà quy định về người được trợ giúp pháp lý. Ngoài diện người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Điều lệ mẫu mở rộng cho các đối tượng khác được tham gia sinh hoạt, bao gồm người thuộc diện cận nghèo, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc thuộc trường hợp cô đơn, không nơi nương tựa hoặc người có vướng mắc pháp luật mà chưa có điều kiện được hướng dẫn, giải đáp. Việc mở rộng này là cần thiết nhằm thu hút người được trợ giúp pháp lý tham gia vì bản thân họ không phải lúc nào cũng muốn và chủ động tham gia nếu không có sự hỗ trợ tham gia cùng của người khác. Hơn nữa, tại một số địa phương, do bệnh thành tích nên việc xác định chuẩn nghèo không chuẩn nên còn nhiều người nghèo cần được trợ giúp pháp lý lại bị bỏ sót (trên thực tế họ rất nghèo). Trong khi đó, Câu lạc bộ là hình thức trợ giúp pháp lý cộng đồng nên càng thu hút được nhiều người tham gia càng tốt vì nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ liên quan đến việc cung cấp kiến thức pháp luật và việc nhiều người dân hiểu biết pháp luật để hành xử theo pháp luật là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Người tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ sẽ được cung cấp, giới thiệu các thông tin về trợ giúp pháp lý, về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương liên quan đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong phạm vi hoạt động của Câu lạc bộ. Đặc biệt, họ còn được hướng dẫn các thủ tục để tiếp cận với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; được đề xuất nội dung, nêu ý kiến, đưa ra vụ việc có vướng mắc pháp luật và thảo luận về các vụ việc, các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng; được cung cấp các tài liệu pháp luật gắn với vụ việc vướng mắc pháp luật, địa chỉ của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Nếu họ là người được trợ giúp pháp lý thì được Ban Chủ nhiệm giới thiệu cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc được giới thiệu về Trung tâm, Chi nhánh để được trợ giúp pháp lý (Điều 6).
Cùng với quyền lợi, người tham gia sinh hoạt phải chấp hành Điều lệ, tuân thủ nội quy, quy chế sinh hoạt nơi công cộng; tuân thủ sự điều hành và tham gia thực hiện các công việc được Ban Chủ nhiệm yêu cầu và tương trợ, giúp đỡ, tôn trọng và hợp tác với những người tham dự sinh hoạt (Điều 7).
5. Cụ thể hoá các nội dung sinh hoạt
Điều lệ mẫu xác định, nội dung sinh hoạt Câu lạc bộ bao gồm tổ chức nói chuyện chuyên đề pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân; về trợ giúp pháp lý; trao đổi, thảo luận về các vụ việc, các tranh chấp phát sinh trong cộng đồng…; thực hiện trợ giúp pháp lý, phát miễn phí các loại tài liệu pháp luật; cung cấp địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; giới thiệu các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan trực tiếp đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các chủ trương của địa phương liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở hoặc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn (Điều 9).
6. Làm rõ hơn về quy trình tổ chức sinh hoạt
Theo Điều lệ mẫu, thành viên Ban Chủ nhiệm được phân công tổ chức và chủ trì có trách nhiệm lập kế hoạch sinh hoạt chi tiết. Tại buổi sinh hoạt, người chủ trì có trách nhiệm điều hành, phân công thư ký, lập danh sách người tham gia sinh hoạt và ghi biên bản. Người chủ trì giới thiệu nội dung sinh hoạt, giới thiệu để người tham gia sinh hoạt chủ động hoặc tự mình nêu tình huống pháp luật, vụ, việc vướng mắc pháp luật; duy trì việc phát biểu, trao đổi, thảo luận và kết luận về những nội dung đã được mọi người thống nhất. Thư ký có trách nhiệm ghi biên bản trong đó làm rõ thời gian, địa điểm, thành phần và nội dung, những vướng mắc pháp luật được nêu ra, các vấn đề được thảo luận đi đến thống nhất và những kiến nghị, đề xuất phát sinh cần phải chuyển lên Trung tâm, Chi nhánh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong quá trình sinh hoạt, nếu phát hiện có vướng mắc pháp luật, vụ, việc phức tạp mà người tham dự sinh hoạt chưa thể tự giải quyết được hoặc cần phải được tư vấn, hướng dẫn, giải thích chi tiết hơn thì người điều hành đề nghị thư ký ghi rõ nội dung vào biên bản. Nếu vụ, việc đó do người được trợ giúp pháp lý yêu cầu thì giới thiệu họ Trung tâm, Chi nhánh hoặc cộng tác viên để được trợ giúp pháp lý. Câu lạc bộ dùng dấu (như dấu Công văn đến, Công văn đi) để đánh dấu số lần sinh hoạt, thời gian sinh hoạt vào danh sách người tham gia, vào biên bản để phục vụ công tác thống kê, báo cáo (Điều 11).
7. Bảo đảm duy trì hoạt động của Câu lạc bộ
Để bảo đảm việc duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ, Điều lệ mẫu cũng xác định cụ thể các nội dung liên quan đến nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động Câu lạc bộ (gồm hỗ trợ từ Trung tâm, từ ngân sách địa phương, từ Chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức); các khoản chi cho sinh hoạt (bao gồm chi phí hỗ trợ chuẩn bị nội dung, sao chụp tài liệu, nước uống, sổ sách). Hàng năm, Ban Chủ nhiệm dự toán kinh phí chi cho hoạt động của Câu lạc bộ, gửi Ban Tư pháp. Ban Tư pháp lập dự trù kinh phí hỗ trợ hoạt động Câu lạc bộ trình Uỷ ban nhân dân cấp xã tổng hợp trình Hội đồng nhân dân cấp xã phê duyệt và tổ chức thực hiện dự toán sau khi đã được phân bổ (Điều 11).
Phòng Quản lý Nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý