Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Bưu chính Viễn thông, Y tế, Văn hoá – Thông tin…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Xây dựng pháp luật thuộc Văn phòng Chính phủ cho biết, tính đến ngày 8/9/2006, các Bộ ngành còn nợ 112 văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực. Điều này làm cho một số Luật, Pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống dẫn đến các Luật, Pháp lệnh không phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và trong đời sống xã hội, gây khó khăn trong việc thực thi và áp dụng luật. Một trong những nguyên nhân đáng lưu ý của tình trạng này là do lãnh đạo một số Bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản. Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, ngày 25/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 31/2006/CT-TTg yêu cầu những văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 trở về trước, chậm nhất ngày 30/11/2006 các bộ, ngành phải hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ.
Trước thực tế trên, để bảo đảm cho 10 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI chuẩn bị có hiệu lực (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Chứng khoán, Luật Công nghệ thông tin, Luật Phòng chống HIV/AIDS…) sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu đều nhất trí đẩy nhanh tiến độ soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn, không để tái diễn nợ đọng. Hội nghị đã tiến hành rà soát về nội dung, tiến độ soạn thảo và trình, ban hành từng văn bản hướng dẫn. Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng , Chủ nhiệm VPCP Đoàn Mạnh Giao cho biết, nếu cần, sẽ kiến nghị Chính phủ họp bất thường, thảo luận chuyên đề để thông qua và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Đây là vấn đề không chỉ Quốc hội, nhân dân quan tâm mà Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm giải quyết.
Một loạt nội dung công việc được khẩn trương tiến hành trong thời gian vừa qua là một bước tiến mới trong việc lập chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định của Chình phủ nhằm bảo đảm tính hiện thưc, tính khả thi của Chương trình, từng bước khắc phục tình trạng thiếu ổn định trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình như trước đây và giúp hạn chế tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh./.
(Theo website Chính phủ)