Hôm qua (13/9), Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.
Tại Hội nghị, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam về dự thảo Nghị định Kinh doanh vận tải hàng không và hoạt động hàng không chung (Nghị định), đang được Bộ GTVT xúc tiến hoàn thành.
Ông Thanh cho biết:
Luật Hàng không dân dụng VN (sửa đổi) đã cho phép mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia hoạt động hàng không. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này.
Với nội dung dự thảo Nghị định, việc thành lập hãng hàng không tư nhân đã “trong tầm tay” của các nhà đầu tư có đủ năng lực nhờ những quy định và hướng dẫn chi tiết hơn.
Dự thảo Nghị định đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia lập hãng hàng không ở VN?
Vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia bao nhiêu phần trăm cổ phần trong một hãng hãng hàng không luôn là vấn đề “nhạy cảm”, được cân nhắc không chỉ ở VN mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nội dung của dự thảo Nghị định là rất cởi mở, mang tính hội nhập cao và tiên tiến so với thế giới.
Hiện, chúng ta mới chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào 30% cổ phần của hãng hàng không trong nước như trường hợp của Pacific Airlines.
Nếu dự thảo Nghị định được Chính phủ thông qua, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia liên kết với người đại diện theo pháp luật của hãng hàng không là công dân VN, để thành lập hãng hàng không với số vốn góp lên đến 49% cổ phần trong lĩnh vực vận tải hàng không và 60% cổ phần trong lĩnh vực hàng không chung.
Vừa qua, có nhiều đề án gửi Cục Hàng không, xin thành lập hãng hàng không tư nhân; nhưng vì sao tất cả các đề án này đều chưa được phép triển khai trong thực tế?
Trong số các đề án được gửi tới Cục, đề án thành lập hãng hàng không tư nhân Mekong Air đã từng được phê duyệt nhưng cuối cùng không thực hiện được, vì thực tế những người vận động cho đề án này không kêu gọi được các nhà đầu tư tài chính.
Hay mới đây, đề án thành lập hãng hàng không Saigon Air đã được kết luận chưa phù hợp để triển khai trong bối cảnh hiện nay...
Nhìn chung các đề án đã gửi đến Cục Hàng không đều chưa chứng minh được năng lực tài chính, hoặc chưa đáp ứng được các tiêu chí cần thiết. Hiện, trên bàn làm việc của chúng tôi chưa có đề án mới nào về việc xin thành lập hãng hàng không tư nhân.
Tuy nhiên, tôi tin rằng với việc gia nhập WTO, thị trường hàng không VN sẽ đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
(Theo Tiền phòng)