Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-BTP ngày 22 tháng 5 năm 2023 ban hành Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Mục đích Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đó là “Xác định rõ các nội dung và nhiệm vụ chủ yếu nhằm cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 11-KH/TW, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, tình hình thực tiễn của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn mới”.
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: (i) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Hiến pháp, pháp luật và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; (ii) Phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; (iii) Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả; (iv) Phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW; (v) Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; (vi) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và trợ giúp pháp lý; (vii) Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật; (viii) Tăng cường công tác xây dựng bộ, ngành, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học pháp lý, bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất.
Tám nhóm nhiệm vụ trọng tâm kể trên đã bám sát vào các định hướng được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng như các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ trong việc tiếp tục tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Để thực hiện một cách đồng bộ, với hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ trưởng đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành khẩn trương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động, đưa các nội dung thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kế hoạch số 11-KH/TW vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng và bao quát tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo, điều hành; chỉ đạo tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong ngành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí hành chính gắn với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí của ngành trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, định hướng dư luận, củng cố đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức các hoạt động đi vào chiều sâu, thực chất hơn nhằm khích lệ, động viên tinh thần cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
 

Dương Bạch Long - Viện Khoa học pháp lý