Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư để Nhà nước có thêm nguồn lực giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội mà vẫn khuyến khích mọi người ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng đồng thời đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Luật thuế thu nhập cá nhân được xây dựng theo hướng đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, minh bạch và công khai, phù hợp với thực tiễn nước ta và thông lệ quốc tế; giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin về thu nhập của dân cư, tiến tới kiểm soát thu nhập phục vụ cho công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Đối tượng nộp thuế là cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có thu nhập chịu thuế, bao gồm cả cá nhân tự kinh doanh và chủ hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
Điểm mới trong Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này là đưa thu nhập từ đầu tư vốn; từ lãi tiền gửi tiết kiệm vào chịu thuế. Đối với thu nhập từ thừa kế và quà tặng, dự kiến chỉ tính thuế những tài sản là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty; riêng đối với tài sản là nhà, đất sẽ chỉ tính thuế trong trường hợp người đã có nhà ở nhưng được nhận thừa kế quyền sử dụng đất và nhà.
Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tính lại mức khởi điểm chịu thuế cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, nhất là thời điểm áp dụng dự kiến còn 2 năm nữa. Một số ý kiến đề nghị không nên áp dụng mức giảm trừ gia cảnh vì sẽ làm phức tạp trong cách tính thuế, dễ tạo điều kiện cho hành vi tiêu cực. Cũng có ý kiến cho rằng chưa nên áp thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm vì như vậy sẽ không khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm và làm tăng lãi suất cho vay, từ đó sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, các tổ chức ngân hàng với tư cách là cơ quan nhờ thu sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm của mình vì khó xác định chính xác tổng số tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân. Một điểm quan trọng mà các ý kiến đóng góp cho Hội thảo là cần có những biện pháp tích cực tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với Luật trước khi ban hành.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ trình Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm 2006 và thông qua Luật này tại kỳ họp nửa đầu năm 2007. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2009.
(Theo website Chính phủ)