Như tin đã đưa, ban soạn thảo dự kiến quy định cán bộ, công chức từ trưởng, phó phòng cấp huyện và tương đương trở lên của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải kê khai tài sản và thu nhập. Theo một số đại biểu, quy định này có một kẽ hở lớn là ở nhiều ngành, lĩnh vực, những người có chức vụ không cao, như đối với công an có thể là đội trưởng, đội phó ở các phòng ban; trong ngành thuế là đội trưởng, đội phó đội thu thuế... cũng có thể có hành vi tham nhũng.
Mặc dù dự thảo đưa vào đối tượng phải kê khai là cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội; cán bộ, công chức, sĩ quan trong ngành công an. Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong 2 ngành này, tổ chức nhân sự không giống như trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nên cần phải quy định rõ về chức danh tương đương; và đặc biệt nên bổ sung thêm việc buộc phải kê khai với những người làm việc tại các ngành: kiểm sát, tòa án... mà dự thảo Nghị định chưa đề cập tới.
Về những ý kiến này, tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Nghị định cho biết, tổ biên tập sẽ kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành quy định chi tiết đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập trong ngành. Trên cơ sở đó, giao cho TTCP hoặc Bộ Nội vụ thẩm định lại, trình Thủ tướng phê duyệt cho thống nhất. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, TTCP nên chủ động xây dựng một bản phụ lục về đối tượng kê khai của từng ngành, từng cấp để ban hành kèm theo Nghị định vì nếu cứ giao cho các bộ, ngành sẽ kéo dài thời gian ban hành Nghị định rất cần thiết này.
Một vấn đề lớn khác là tài sản phải kê khai và phạm vi công khai kết quả xác minh tài sản và nguồn thu nhập. Có đại biểu cho rằng, phải kê khai tài sản đối với cả nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà người kê khai được thuê, vì thực tế, có người đã có nhà ở vẫn được thuê và nhà được thuê trên thực tế không khác gì tài sản của người đó. Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, việc công khai kết quả xác minh tài sản, thu nhập của người kê khai nên giới hạn ở cụm dân cư nơi người đó ứng cử hoặc ở bộ, ngành, cơ quan, nơi người đó làm việc, vì công khai rộng khắp cũng không cần thiết và có thể không khả thi.
(Theo Thanh niên)