Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cụ thể, Thông tư này quy định hồ sơ, kiểm tra xác định trước xuất xứ; khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục, nội dung kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ
Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định, trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ, gồm: Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính; bảng kê khai chi phí sản xuất theo mẫu tại Phụ lục II và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên liệu trong nước theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác: 01 bản chụp; quy trình sản xuất hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần (nếu có): 01 bản chụp; catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa: 01 bản chụp.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ nêu trên đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn quy định tại
Nghị định số 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Tổng cục Hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và thực hiện thủ tục xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 28 Luật Hải quan và khoản 11 Điều 1
Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong thông quan
Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên cơ sở kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (nếu có), chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) và xử lý như sau:
Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp với nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì chấp nhận xuất xứ hàng hóa;
Trường hợp Chi cục Hải quan có đủ căn cứ xác định xuất xứ hàng hóa không đúng theo nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan thì xử lý theo quy định và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1
Thông tư số 39/2018/TT-BTC;
Trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có cơ sở nghi ngờ xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc có thông tin cảnh báo về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo phương thức, mức độ do Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định; đồng thời đề nghị người khai hải quan trong thời hạn 10 ngày phải nộp 01 bản chụp một trong các tài liệu sau để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu:
-Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có); Trường hợp áp dụng tiêu chí xuất xứ “Tỷ lệ phần trăm của giá trị” thì nộp hóa đơn, chứng từ mua bán nguyên liệu, vật tư;
- Quy trình sản xuất; Bảng kê khai chi phí sản xuất theo mẫu tại Phụ lục II và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu trong nước theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác.
Trường hợp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có cơ sở nghi ngờ về tính xác thực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hóa ghi trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nghi ngờ người khai hải quan tẩu tán hồ sơ, chứng từ, tài liệu, dữ liệu liên quan đến việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì báo cáo, đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố xác minh tại cơ quan, tổ chức cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 7 Thông tư này hoặc kiểm tra tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;
Trường hợp người khai hải quan tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc nộp chứng từ chứng minh không đúng thời hạn quy định tại điểm c.2 khoản này hoặc chứng từ cung cấp không đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan báo cáo, đề xuất Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;
Trong khi chờ kết quả kiểm tra, xác minh xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được thực hiện thủ tục hải quan, thông quan theo quy định.
Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu dựa trên nguyên tắc đánh giá rủi ro và theo kết quả phân luồng kiểm tra của cơ quan hải quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2023 và thay thế các
Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27 ngày 5 tháng 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona;
Thông tư số 07/2021/TT-BTC ngày 25 tháng 01 ngày 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa do các bộ quản lý chuyên ngành đã công bố trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo công bố của các bộ quản lý chuyên ngành.