Nghị định 101/2006/NĐ-CP được áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm: doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Nghị định số 38/2003/NĐ-CP (ngày 15/4/2003) của Chính phủ; dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp Giấy phép đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có từ 2 chủ sở hữu trở lên đăng ký lại thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do một tổ chức cá nhân nước ngoài đầu tư đăng ký lại thành Công ty trách nhiệm hữu một thành viên. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Nghị định số 38/2003/NĐ-CP đăng ký lại thành Công ty cổ phần. Doanh nghiệp đề nghị đăng ký lại nộp hồ sơ theo quy định của Nghị định này tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác về nội dung hồ sơ đăng ký lại. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu từ chối hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thông báo rõ lý do với doanh nghiệp bằng văn bản. Doanh nghiệp đăng ký lại được thừa kế toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp trước khi đăng ký lại. Đối với hình thức chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có từ hai chủ sở hữu trở lên chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành Công ty cổ phần và ngược lại. Việc chuyển đổi doanh nghiệp có thể được tiến hành sau khi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại hoặc đồng thời với việc đăng ký lại. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nếu từ chối hoặc có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì thông báo rõ lý do với doanh nghiệp bằng văn bản. Cũng theo Nghị định trên, việc đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 88 của Luật Đầu tư được áp dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 1/7/2006. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư. * Sáng ngày 21/9, trong phiên họp lần thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe báo cáo việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, công tác sắp xếp và cổ phần hoá được đẩy mạnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Tính từ thời gian thí điểm năm 1992 đến nay, cả nước đã cổ phần hoá được 3.060 doanh nghiệp Nhà nước. Từ nay đến năm 2010, cần tiến hành cổ phần hoá khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp, trong đó lộ trình tập trung vào năm 2007 và 2008. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo giám sát về kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới. (Theo website Chính phủ)