Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong trình bày, dự thảo Luật này có tám chương, 65 điều, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước để chiếm lĩnh thị trường nội địa, và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo báo cáo thẩm tra và các ý kiến của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh việc chỉ ra một số nội dung quy định còn chưa bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tính khả thi chưa cao, dự thảo báo cáo thẩm tra và các ý kiến phát biểu tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thí dụ, về phạm vi điều chỉnh và tên luật hiện có bốn loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị lấy tên luật là Luật Chất lượng như trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 để điều chỉnh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cả dịch vụ, vì trong nền kinh tế nước ta hiện nay, giá trị giao dịch của các loại dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn và ngày càng tăng; hơn nữa, việc trao đổi, thương mại hàng hóa hiện nay gắn liền với dịch vụ; chất lượng hàng hóa trong một số trường hợp được hiểu là bao hàm cả dịch vụ. Loại ý kiến thứ hai tán thành tên gọi là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa như dự thảo để nhấn mạnh việc quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ đầu.Loại ý kiến thứ ba đề nghị là Luật Chất lượng hàng hóa (không có dấu phẩy) để thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh là những sản phẩm được sản xuất, chế biến, gia công nhằm lưu thông trên thị trường. Loại ý kiến thứ tư đề nghị tên là Luật Chất lượng hàng hóa, vì cho rằng luật chỉ điều chỉnh hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Có ý kiến không tán thành khoản 1, điều 11 quy định Nhà nước có chương trình, kế hoạch, biện pháp huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của các tổ chức..., vì quy định này nặng về bao cấp và thực tế không thể thực hiện được.
(Theo Nhân dân)