Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT  quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Thông tư này quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: mục đích, nguyên tắc của việc giám sát, đánh giá; nội dung, hoạt động, sử dụng kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiêu chuẩn, chu kỳ, quy trình đánh giá; tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá.
Giám sát tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Theo Thông tư, mục đích của giám sát là nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa sai phạm; giúp tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục kịp thời điều chỉnh hoạt động nhằm tuân thủ quy định của pháp luật; làm căn cứ cho việc đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và để khuyến nghị xây dựng, điều chỉnh chính sách về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục. 
Nội dung giám sát gồm: Việc bảo đảm quy định về điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; quá trình và kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; việc tuân thủ quy định về thực hiện trách nhiệm báo cáo, công khai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hoạt động giám sát qua việc thu thập dữ liệu và tổng hợp thông tin từ các nguồn (gồm: phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục; báo cáo định kỳ và báo cáo khác của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định; thông tin phản hồi của cơ sở giáo dục theo mẫu Phụ lục I kèm theo Thông tư này; thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân; thông tin, tài liệu khác có liên quan; quan sát trực tiếp một số hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; kết quả rà soát một số báo cáo đánh giá ngoài cơ sở giáo dục và báo cáo đánh giá ngoài chương trình đào tạo của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục); phân tích, đánh giá thông tin để phát hiện vấn đề bất thường hoặc bất hợp lý; lập báo cáo giám sát.
Đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục 
Theo Thông tư, mục đích của đánh giá là nhằm bảo đảm sự tuân thủ quy định pháp luật và thực hiện trách nhiệm giải trình của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; làm căn cứ để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cải tiến, nâng cao chất lượng; làm căn cứ cho việc gia hạn giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Vì vậy, Thông tư nêu rõ, có 5 tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, gồm:
Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý với các tiêu chí như: Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bảo đảm việc duy trì điều kiện cho phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; Tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược và văn hóa của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển của một pháp nhân với chức năng chính là kiểm định chất lượng giáo dục;
Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục với các tiêu chí như: Giám đốc, Phó Giám đốc bảo đảm tiêu chuẩn và thực hiện nhiệm vụ theo quy định; số lượng kiểm định viên phải được duy trì, phát triển đáp ứng yêu cầu về quy mô, phạm vi hoạt động và kế hoạch chiến lược của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất, trang thiết bị với các tiêu chí: Xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử để thực hiện công khai thông tin theo quy định; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; thông tin, dữ liệu hoạt động được lưu trữ đầy đủ, khoa học và bảo mật thông tin.
Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với các tiêu chí gồm: Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng đối tượng, phạm vi ghi trong giấy phép hoạt động và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản nội bộ của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ban hành; cấp và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.
Tiêu chuẩn 5: Công khai, minh bạch hoạt động với các tiêu chí gồm: Công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; sự hình thành và phát triển của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển; quy chế tổ chức và hoạt động; các hướng dẫn chi tiết do tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục ban hành để thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định, chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 05 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn.
Chu kỳ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam theo thời hạn ghi trên quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Quy trình đánh giá gồm: Tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2023.