Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 48/2023/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công.
Theo Thông tư số 48/2023/TT-BTC, tài sản công cập nhật thông tin vào Phần mềm Quản lý tài sản công (Phần mềm) gồm: Tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; Tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm theo quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhập dữ liệu tài sản vào Phần mềm
Thông tư số 48/2023/TT-BTC quy định thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào Phần mềm là thông tin tại báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào Phần mềm bao gồm:
- Thông tin báo cáo kê khai lần đầu, báo cáo kê khai bổ sung, báo cáo kê khai tài sản sử dụng chung, báo cáo kê khai sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết, khai thác theo hình thức khác, báo cáo kê khai thay đổi thông tin, báo cáo kê khai thông tin xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo các Mẫu số: 04a-ĐK/TSC, 04b-ĐK/TSC, 04c-ĐK/TSC, 04d-ĐK/TSC, 04đ-ĐK/TSC, 04e-ĐK/TSC, 04g-ĐK/TSC, 04h-ĐK/TSC, 04i-ĐK/TSC, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thông tin báo cáo kê khai, báo cáo thay đổi thông tin, báo cáo kê khai thông tin xử lý của tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo các Mẫu số: 05a-ĐK/TSDA, 05b-ĐK/TSDA, 05c-ĐK/TSDA, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thông tin báo cáo kê khai tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thực hiện theo các Mẫu số: 01-KK/TSXL, 02-PAXL/TSXL, 03-KQXL/TSXL, 04-KQTC/TSXL ban hành kèm theo Thông tư này.
- Trình tự, hồ sơ báo cáo kê khai tài sản tại các điểm a, b và c khoản này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Duyệt dữ liệu tài sản trên Phần mềm
Chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày dữ liệu được nhập vào Phần mềm và cơ quan tài chính các Bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính nhận được báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân, cán bộ quản lý có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa báo cáo kê khai và dữ liệu đã nhập vào Phần mềm để thực hiện duyệt dữ liệu đối với: a) Tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án là đất, nhà, xe ô tô hoặc tài sản cố định khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; b) Các tài sản trong từng Quyết định tịch thu hoặc Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với tài sản không thuộc phạm vi quy định trên, sau khi cán bộ sử dụng nhập dữ liệu vào Phần mềm thành công thì mọi thông tin về tài sản là dữ liệu chính thức, không phải thực hiện duyệt dữ liệu đối với các tài sản này.
Khai thác, sử dụng thông tin
Theo Thông tư, việc khai thác, sử dụng thông tin trong Phần mềm thực hiện theo quy định tại Điều 114 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Theo đó, có 3 hình thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công: Kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tra cứu thông tin về tài sản công được công khai trên Cổng (Trang) thông tin điện tử có nhiệm vụ công khai tài sản công; theo văn bản yêu cầu được cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận.
Bộ Tài chính có quyền khai thác, sử dụng thông tin về tài sản công trên phạm vi cả nước trong Phần mềm.
Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị được phân cấp nhập dữ liệu có quyền khai thác, sử dụng thông tin về tài sản công thuộc phạm vi quản lý trong Phần mềm.
Thông tin khai thác từ Phần mềm được sử dụng để: Phục vụ công tác lập kế hoạch (ngắn hạn, dài hạn), công tác chỉ đạo, điều hành, báo cáo, phân tích dự báo của Chính phủ, của Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; làm căn cứ để lập dự toán, xét duyệt quyết toán, quyết định, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát việc giao đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, khai thác, xử lý tài sản công.
Tài khoản của các đơn vị nhập dữ liệu đã được tạo trong Phần mềm trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng tài khoản đó để nhập dữ liệu. Việc tạo tài khoản nhập dữ liệu từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thi thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 27 tháng 8 năm 2023.
Thông tư này thay thế Thông tư số 184/2014/TT-BTC ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước và bãi bỏ khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 9 Thông tư số 144/2017/TT-BTC và các Mẫu biểu số: 04a-ĐK/TSC, 04b-ĐK/TSC, 04c-ĐK/TSC, 05a-ĐK/TSDA, 05b-ĐK/TSDA, 05c-ĐK/TSDA, 06a-ĐK/TSC, 06b-ĐK/TSC, 06c-ĐK/TSC, 06d-ĐK/TSC, 07-ĐK/TSC ban hành kèm theo Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.