Theo Thông tư, có 6 nhóm CBCC được đào tạo từ ngân sách Nhà nước bao gồm: CBCC hành chính, công chức dự bị, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; Cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập; Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Cán bộ công chức xã, phường, thị trấn; Cán bộ không chuyên trách cấp xã; cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc ở xã và tổ dân phố ở phường, thị trấn; Luật sư, cán bộ quản lý doanh nghiệp và hiệp hội theo quy định nêu trong Kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng dân tộc...(bao gồm cả tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý) cho các đối tượng CBCC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (bao gồm đào tạo trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác);
Tuỳ theo khả năng bố trí kinh phí và nhu cầu đào tạo CBCC của mình, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể sử dụng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước để hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng là CBCC nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học đại học (và tương đương), sau đại học (và tương đương). Số kinh phí dành cho việc hỗ trợ này tối đa không quá 10% tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về nội dung chi, mức chi, mục chi cho từng trường hợp cụ thể.
Được biết, Thông tư này thay thế cho Thông tư số 79/2005/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC nhà nước đã được Bộ Tài chính ban hành trước đó.
Đình Thơ