Thông tư nêu rõ: Ngoài chính sách như quy định hiện hành, tuỳ theo khả năng kinh phí và điều kiện cụ thể, các địa phương chủ động bố trí ngân sách của mình và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình.
Đối với các hộ nghèo, các hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công trình vệ sinh môi trường nông thôn tối đa không quá 1.000.000 đồng/hộ (mức cũ: 500.000 đồng/hộ). Đối với gia đình thuộc các vùng khác, mức ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 800.000 đồng/hộ (mức cũ: 300.000 đồng/hộ). Đối với các hộ nông dân tham gia mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, theo quy định mới, Nhà nước tăng mức hỗ trợ từ 400.000 - 600.000 đồng/hộ lên mức 1.000.000 đồng/hộ. Trường hợp có lắp đặt biogas thì được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/hộ.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí xây dựng, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng công trình cung cấp nước sạch, kể cả công trình cấp nước cho trường học, trạm xá, chợ, công trình công cộng và trụ sở UBND xã ở vùng nông thôn; đồn biên phòng và cụm dân cư tuyến biên giới.
Về mức hỗ trợ công trình cung cấp nước sạch tập trung, Nhà nước sẽ hỗ trợ không quá 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ; không quá 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; không quá 75% đối với các vùng nông thôn khác theo dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt....
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn: Các hộ gia đình đã được hỗ trợ cải thiện môi trường từ chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thì không được hỗ trợ mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Chương trình.
Nguyễn Đình Thơ