Phát huy vai trò, thế mạnh của tổ chức Đoàn, nhất là Đoàn thanh niên ở cấp cơ sở đã sáng tạo, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả để thực hiện PBGDPL đến các đối tượng thanh thiếu niên và người dân. Thông qua phong trào, các cuộc vận động và hoạt động của Đoàn, Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phổ biến, giáo dục pháp luật đối với thanh niên thông qua tổ chức các phong trào hành động và đưa thanh niên tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; chỉ đạo điểm, hướng dẫn xây dựng đội thanh niên xung kích an ninh tại địa bàn dân cư; tập huấn côngtác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và tuyên truyền viên của Đoàn, những biện pháp đó đã có hiệu quả thiết thực, tạo đà cho hoạt động cơ sở.
Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm qua nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi, hội thi; tổ chức cho đoàn viên thanh niên nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật trong sinh hoạt Chi đoàn, Chi hội; duy trì xây dựng các Tủ sách pháp luật; tổ chức các buổi toạ đàm, diễn đàn, các buổi liên hoan văn hoá văn nghệ có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về pháp luật. Tuyên truyền, tổ chức cho Đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông, sử dụng pháo nổ trong dịp Tết nguyên đán; vận động, khích lệ tinh thần thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ.
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên, các đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ các địa phương đã phối hợp và hỗ trợ tích cực với lực lượng công an trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra, phát hiện và tham gia giải quyết nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở địa bàn dân cư; tổ chức cho thanh niên tham gia các chiến dịch, các đợt cao điểm phòng chống ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép... Phối hợp phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giúp đỡ người hoàn lương ở cộng đồng bằng các hoạt động như: phát động phong trào qua đó thanh niên đã cung cấp nhiều tin có giá trị giúp cho lực lượng công an; tham gia quản lý, giáo dục hàng vạn đối tượng tại cộng đồng. Nhiều mô hình, cách làm hay hiệu quả được củng cố, nhân rộng đã góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho thanh niên.
Các cấp Đoàn, Hội, Đội tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên học sinh, sinh viên ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “3 không với ma túy” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; dung túng, bao che cho tội phạm ma túy) gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; phát động chi Đoàn, chi Hội thanh niên thực hiện mục tiêu “Mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống ma túy, mại dâm”.
Hệ thống báo chí của Đoàn đã tích cực thực hiện công tác PBGDPL thông qua xây dựng, triển khai các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với đặc thù đối tượng; Mô hình phiên tòa giả định, tư vấn pháp luật. Bên cạnh đó còn có Câu lạc bộ “Nhịp sống trẻ”, mô hình “Xã ba không”, mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy”, mô hình ”Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”, mô hình ”Thanh niên quân đội với văn hóa giao thông”; chương trình “Cà phê với pháp luật”, cuộc thi “Thiết kế sản phẩm tuyên truyền, giáo dục Pháp luật”; đội hình “Tư vấn pháp lý lưu động”, chương trình “Pháp luật và cuộc sống”, chương trình ca nhạc - kịch tuyên truyền “Chuyện cần biết”; sinh hoạt chuyên đề “Phòng ngừa và đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”, phát miễn phí cho thanh thiếu nhi vùng sâu vùng xa nhằm giới thiệu, phổ biến các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Hệ thống truyền thông của Đoàn đã cải tiến hình thức PBGDPL như trích đăng tải luật; hỏi - đáp, giải đáp thắc mắc những vấn đề liên quan đến cuộc sống của thanh niên, hoặc nêu những câu chuyện trong thực tế gắn với pháp luật để giáo dục thanh niên; phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong thanh niên.