Để từng bước tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân, từ đó vận động nhân dân tham gia chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện chính sách pháp luật và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật. Ở trung ương, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; pháp luật về chuyển đổi kỹ thuật số; pháp luật về tiếp cận thông tin, pháp luật về công tác phòng, chống dịch COVID-19, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng thời, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, phổ biến các luật mới ban hành hoặc có hiệu lực trong năm 2022 và các văn bản liên quan đến công tác Mặt trận; các chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân; tuyên truyền Nhân dân thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hưởng ứng các biện pháp chỉ đạo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phổ biến Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; tuyên truyền kết quả giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước kỳ họp thứ ba, thứ tư Quốc hội khóa XV.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức thành công 05 hội nghị phản biện xã hội Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Luật Phòng thủ dân sự. Đây là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân, được nhân dân quan tâm. Thông qua hoạt động góp ý, phản biện xã hội góp phần thông tin nhanh chóng, kịp thời, từ sớm, từ xa những nội dung chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo tầng lớp Nhân dân.
Ở địa phương, trên cơ sở Kế hoạch, hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, các văn bản liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID- 19, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông... và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác ở địa phương.
Hoạt động triển khai hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2022 đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp hưởng ứng dưới nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị, tọa đàm, trao đổi thông tin, đăng tải các văn bản pháp luật trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở. Ngày pháp luật năm 2022 không chỉ diễn ra trong một ngày, một tuần mà được tổ chức với nhiều hoạt động trong nhiều tháng. Trong tháng cao điểm tổ chức Ngày Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên của Mặt trận tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, truyền hình, tổ chức tọa đàm, hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông qua trang mạng xã hội... Nhiều địa phương tổ chức các Hội thi tìm hiểu về pháp luật và nhiều tỉnh khác phối hợp với chính quyền cùng cấp phát động cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và Nhân dân hưởng ứng tham gia cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật trực tuyến"…, làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, qua đó cũng giúp người dân có khiếu nại, tố cáo, phản ánh nhận thức đầy đủ hơn quyền, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức lồng ghép sinh hoạt “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” với “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 11 năm 2022 cả nước có 104.472 khu dân cư tổ chức Ngày hội (chiếm tỷ lệ 95,2%) với hơn 28,3 ngàn lượt người tham dự, nhiều địa phương tổ chức theo hình thức liên khu dân cư hoặc tổ chức ở xã, phường, thị trấn. Tại các khu dân cư, trong phần lễ và hội đều lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật. Việc tuyên truyền pháp luật được tổ chức thông qua hình thức hái hoa dân chủ hoặc sân khấu hóa bằng các vở kịch, thơ ca, tuyên truyền thông qua các hình ảnh trực quan sinh động, phong phú với nhiều chủ đề pháp luật khác nhau như pháp luật với giao thông đường bộ, pháp luật; pháp luật về hôn nhân, gia đình; pháp luật về phòng, chống dịch bệnh; pháp luật liên quan đến vận động, tiếp nhận nguồn từ thiện và một số văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội thông qua. Ngày hội cũng là dịp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đến với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cử tri và nhân dân, qua đó tạo không khí thoải mái, gần gũi, dễ nhớ góp phần vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Đây là một trong những sáng kiến hiệu quả, thiết thực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua được đông đảo Nhân dân hưởng ứng.
Để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã
chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng báo cáo viên của Mặt trận. Theo đó: Ở Trung ương, thường xuyên kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; định kỳ hàng năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể
[1].
Ở địa phương, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên ngày càng được củng cố về số lượng và chất hượng, đặc biệt ở khu dân cư Mặt trận Tổ quốc các cấp còn huy động được đông đảo người có uy tín trong cộng đồng, am hiểu pháp luật tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, 100% các tỉnh, huyện, xã, khu dân cư trên cả nước đều hình thành mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận đã thành lập được Trung tâm tư vấn pháp luật, đẩy mạnh hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên và các đối tượng chính sách trên địa bàn điển hình như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Ninh...
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục phối hợp thực hiện công tác phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật theo phương hướng sau:
- Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cấp ủy chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động Nhân dân tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Xác định tuyên truyền, giáo dục pháp luật là tiền đề mang tính quyết định đến việc thành công và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
- Thứ hai, cần phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đoàn viên, hội viên tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động Nhân dân chấp hành pháp luật.
- Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các cơ quan truyền thông của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông giữa các cơ quan truyền thông tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì hiệu quả các trang thông tin điện tử, trang panpage... của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến pháp luật; xây dựng và mở rộng hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua cổng thông tin điện tử, fanpage, zalo...
- Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền phổ biến pháp luật; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua họp dân, các hội nghị đối thoại, hội nghị giao ban, sinh hoạt chuyên đề, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Lựa chọn nội dung tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
- Thứ năm, rà soát tổng thể các mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; kết hợp giữa phổ biến pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022- 2027. Tăng cường các hoạt động tham gia góp ý, phản biện xã hội tạo đồng thuận ngay từ khâu soạn thảo.
- Thứ sáu, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động tổ chức “
Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2023 gắn với các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì và phát động, đặc biệt, là lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với "
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân" hàng năm.
- Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở; xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật, kịp thời tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Năm 2022, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức
04 hội nghị tập huấn chuyên sâu;
02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với 163 học viên cho đội ngũ báo cáo viên các cấp ở cơ sở.
[2]Công văn số 149/UBND-TCD-NC về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg, Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 10/3/2020 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn Tỉnh năm 2020; Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 14/6/2021 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn Tỉnh năm 2021; Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 06/7/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở năm 2022.
[3]In và phát hành 4.240 sổ tay bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên
[4] Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 21/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022.