Để kịp thời triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023, ngày 29/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch kèm theo Quyết định số 3807/QĐ-BTNMT với các mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật mới thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến mọi đối tượng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; cập nhật các quy định pháp luật mới cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài nguyên và môi trường. Đổi mới toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất.
Trên cơ sở mục tiêu, Kế hoạch xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 bao gồm: Tổ chức phổ biến, cập nhật, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường mới được ban hành trong năm 2022 gắn với đối thoại, tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật, trọng tâm là văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tổ chức phổ biến, tham vấn và lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường được xây dựng trong năm 2023, đặc biệt là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản (thay thế Luật Khoáng sản năm 2010) và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định chi tiết, thi hành Luật Khoáng sản năm 2010. Đồng thời, phổ biến, tham vấn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng đến mục tiêu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Khí tượng thủy văn trong những năm tiếp theo và hoàn thiện bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và ý thức chấp hành pháp luật tài nguyên và môi trường nói riêng. Kiện toàn lại đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đặt ra các yêu cầu thực hiện trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đó là thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/1/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW và thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022; đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thường xuyên, liên tục; đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức, địa phương, người dân, doanh nghiệp và phù hợp với từng đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”; đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, nội dung cụ thể; bảo đảm tiết kiệm, tránh dàn trải, kém hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị và đối tượng được phổ biến; thực hiện lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong kế hoạch công tác, tuyên truyền, truyền thông của Bộ; gắn phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng pháp luật, tham vấn, lấy ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật; tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật tài nguyên và môi trường; tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đồng bộ sâu rộng, thật sự hiệu quả. Tăng cường xã hội hóa, hợp tác quốc tế về phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; đảm bảo đúng thời gian, chất lượng và hiệu quả thực hiện.
Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung tổ chức các hội thảo, hội nghị phổ biến, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường; phổ biến, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới và thông tin xây dựng pháp luật tài nguyên và môi trường trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và của các đơn vị, qua Báo Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Chuyên trang của Vụ Pháp chế;.... ; tổ chức các sự kiện, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11); tổ chức đối thoại, trao đổi trực tiếp và thi tìm hiểu pháp luật tài nguyên và môi trường; thực hiện thông cáo báo chí các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định của pháp luật. Tuỳ thuộc các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị chủ động lựa chọn một hoặc nhiều các hình thức phổ biến theo quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.