Theo Thông tư, việc đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh dựa trên nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch; đúng thẩm quyền, mức độ, tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận quy định tại Thông tư này và đảm bảo tính trách nhiệm, trung thực trong tự đánh giá của cá nhân, đơn vị.
Thông tư quy định tiêu chí đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện mức độ 1 như sau:
Tiêu chí 1: Về điều kiện xây dựng “Đơn vị học tập”. Trong đó:
- Chỉ tiêu 1: Ban hành kế hoạch hằng năm cho Thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch.
- Chỉ tiêu 2: Thực hiện đầy đủ các chế độ về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, có quy định của đơn vị nhằm khuyến khích, động viên Thành viên trong đơn vị tích cực học tập. Đơn vị cấp huyện là nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập tham gia thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ cho giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn theo quy định.
- Chỉ tiêu 3: Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với Thành viên trong đơn vị (đối với đơn vị là cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước).
- Chỉ tiêu 4: Đơn vị cấp huyện triển khai chuyển đổi số, các Thành viên trong đơn vị được trang bị các dụng cụ, thiết bị học tập đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập trong bối cảnh chuyển đổi số.
- Chỉ tiêu 5: Tham gia các hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người dân.
Tiêu chí 2. Về kết quả học tập của Thành viên trong đơn vị. Trong đó:
- Chỉ tiêu 1: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy làm việc trong đơn vị, có tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và trao đổi.
- Chỉ tiêu 2: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị hoàn thành đầy đủ các chương trình học tập, bồi dưỡng theo quy định của nhà nước hoặc của đơn vị và đoàn thể được lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
- Chỉ tiêu 3: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị được đào tạo, bồi dưỡng và tham gia thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị.
- Chỉ tiêu 4: Tối thiểu 50% Thành viên trong đơn vị có chứng nhận hoặc chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu công việc hoặc vị trí việc làm (không bao gồm thành viên trong đơn vị là tổ chức kinh tế).
- Chỉ tiêu 5: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” (theo Luật Thi đua, Khen thưởng số 06/2022/QH15) trở lên.
Tiêu chí 3: Tác dụng của việc xây dựng “Đơn vị học tập”. Trong đó:
- Chỉ tiêu 1: Tối thiểu 90% Thành viên trong đơn vị đạt danh hiệu “Công dân học tập” theo Bộ tiêu chí và hướng dẫn đánh giá, công nhận “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030 (ban hành tại Quyết định số 324/QĐ-KHVN ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, sau đây gọi là Quyết định số 324/QĐ-KHVN). Đối với đơn vị là Cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện tối thiểu 95% Người học đạt danh hiệu “Công dân học tập” theo Quyết định số 324/QĐ-KHVN.
- Chỉ tiêu 2: Đơn vị cấp huyện thực hiện các hoạt động tạo lập môi trường học tập và chia sẻ tri thức với các đơn vị khác. Đơn vị cấp huyện là nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập có thực hiện hoặc phối hợp thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ cho giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn theo quy định.
- Chỉ tiêu 3: Đơn vị cấp huyện đạt danh hiệu thi đua từ “Tập thể lao động tiên tiến” (theo Luật Thi đua, Khen thưởng số 06/2022/QH15) trở lên.
- Chỉ tiêu 4: Đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức độ chuyển đổi số của đơn vị ở “mức đáp ứng cơ bản” theo Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ tiêu 5: Đơn vị cấp huyện là cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2024 và bãi bỏ Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá, xếp loại Đơn vị học tập.