Ngày 26/4/2024, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 196-KH/BCSĐ triển khai, tổ chức thực hiện Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (Quy định 132-QĐ/TW).
Kế hoạch xác định mục đích tổ chức thực hiện đúng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quy định 132-QĐ/TW thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp; nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp về vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự (THADS) thi hành án hành chính (THAHC) và hoạt động khác có liên quan. Yêu cầu bảo đảm quán triệt toàn diện, đầy đủ quan điểm, mục tiêu, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị trong việc thực hiện Quy định 132-QĐ/TW; xác định đầy đủ, chính xác các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc tham mưu giúp cấp ủy chủ trì, phối hợp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; các nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch phải khả thi, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tránh hình thức. Nhiệm vụ chủ yếu:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung tại Quy định 132-QĐ/TW và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Quy định 132-QĐ/TW theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn ngành Tư pháp tổ chức quán triệt, triển khai, phổ biến nội dung Quy định 132-QĐ/TW và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án. Tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Quy định, qua đó tạo sự đồng thuận, quan tâm ủng hộ của cả Hệ thống chính trị, ngành Tư pháp và nhân dân trong việc đề xuất ban hành cơ chế, giám sát thực hiện Quy định; kịp thời thông tin, lan tỏa cách làm hay trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS và hoạt động khác có liên quan.
Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo, chỉ đạo Tổng cục THADS xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các cơ quan THADS xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được phân công phù hợp với thực tiễn tình hình tại địa phương; xây dựng Cẩm nang hướng dẫn trong công tác THADS, THAHC để thực hiện Quy định 132-QĐ/TW và tổ chức phổ biến đến toàn Hệ thống THADS.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan: Lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thi hành Luật THADS và các quy định của pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THADS (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ). Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc chức năng của Bộ, ngành tư pháp; đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập, vướng mắc pháp luật trong kê biên tài sản để thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án; nghiên cứu khả năng xây dựng cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Đấu giá tài sản; Luật Giám định Tư pháp (sửa đổi); Luật Luật sư; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; phối hợp lập hồ sơ đề xuất xây dựng Bộ Luật Tố tụng hình sự theo Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, quy chế làm việc, quy trình, quy chế nội bộ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để tổ chức thực hiện đúng, hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác THADS, THAHC; bảo đảm tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của Chấp hành viên trong hoạt động THADS.
3. Lãnh đạo kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị, cơ quan trong hoạt động THADS, THADS và hoạt động khác có liên quan: Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026.
Về kiểm soát quy trình THADS, THAHC: Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ quy trình THADS, THAHC từ thủ tục ra quyết định, thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và xử lý tiền, tài sản thi hành án bảo đảm theo các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Điều 3 Quy định số 132-QĐ/TW, quy định pháp luật, quy chế làm việc, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức.
Về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động THADS, THAHC: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra phải theo hướng sâu sát, chất lượng và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm yêu cầu, kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động THADS, THAHC.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Lãnh đạo, chỉ đạo tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, báo cáo, khiếu nại, tố cáo, tố giác, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động THADS và các hoạt động khác có liên quan; phân loại, xử lý, giải quyết đơn đúng quy định của pháp luật. Tổng hợp, đề xuất tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp theo dõi, chỉ đạo giải quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS, THAHC: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo đảm hiệu quả, thực chất và các biện pháp khác phòng ngừa các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực theo Chương trình hành động số 87-CTr/BCSĐ ngày 28/6/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2023-2026. Không để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền quản lý.
Về công tác tự phê bình và phê bình: Lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự phê bình và phê bình, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, “tự soi, tự sửa”; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, xây dựng văn hóa liêm chính.
Về tổ chức bộ máy các cơ quan THADS: Lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp bộ máy cơ quan THADS đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn và có phẩm chất đạo đức, kỷ cương, liêm chính dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận công chức làm công tác THADS. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS, THAHC.
4. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW trong hoạt động THADS và hoạt động khác có liên quan: Lãnh đạo, chỉ đạo chú trọng phối hợp nhằm kiểm soát quyền lực đối với hoạt động thi hành án từ các cơ quan, tổ chức liên quan trong hệ thống chính trị: bảo đảm sự kiểm soát của các cơ quan quyền lực nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động thi hành án. Lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động và thực hiện nghiêm yêu cầu, kiến nghị, kết luận của các đoàn giám sát về THADS. Yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét lại các hành vi, quyết định, kết luận sau giám sát không có căn cứ trong hoạt động THADS.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của của Ban cán sự đảng, Đảng ủy Bộ đối với các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc về trách nhiệm trong việc thực hiện Quy định 132-QĐ/TW: Kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc, đặc biệt là Đảng ủy Tổng cục THADS về trách nhiệm trong việc thực hiện Quy định 132-QĐ/TW trong Hệ thống THADS nhằm kịp thời phát hiện, đề xuất hoặc yêu cầu xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực được quy định tại Điều 6 Quy định 132-QĐ/TW và các quy định khác có liên quan. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm yêu cầu, kiến nghị, kết luận của các đoàn giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực được quy định tại Điều 6 Quy định 132-QĐ/TW và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về THADS.
Lê Anh