Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024
Chiều 17/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 dưới sự chủ trì của Đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng và đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự của các đại biểu đến từ các bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; cùng đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; các cơ quan truyền thông, báo chí cùng lãnh đạo một số công ty luật và trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật cho biết, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp bởi những rủi ro pháp lý vẫn luôn tồn tại khi doanh nghiệp tham gia thị trường. Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo với các mục tiêu sau đây:
- Thông tin rộng rãi về việc thay đổi đơn vị phụ trách triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế sang Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024;
- Nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra các đề xuất về giải pháp có tính chất đột phá nhằm hoàn thiện chính sách trong thực hiện công tác này.
Tiếp nối ý kiến của Cục trưởng Lê Vệ Quốc, Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã ban hành nhiều thể chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn, thách thức trong tiếp cận hệ thống pháp luật, nguồn lực con người, kinh phí. Các doanh nghiệp chưa tập trung cho vấn đề phòng ngừa rủi ro mang tính chất pháp lý; chưa tập trung sử dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực tuy nhiên hiệu quả, phạm vi, tác động đến doanh nghiệp còn hạn chế. Bà Ngô Quỳnh Hoa mong muốn các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn về những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải, nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tiếp cận pháp luật; đề xuất, mong muốn của doanh nghiệp.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Dương Phong Hòa, Phó Viện trưởng Viện đổi mới công nghệ sáng tạo, Hiệp hội Da-Giày – Túi xách Việt Nam nêu lên vướng mắc trong quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ, vướng mắc ở thủ tục hoàn thuế đồng thời bày tỏ mong muốn có chương trình chuyên đề riêng để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này.
Chia sẻ các ý kiến tâm huyết tại Hội thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết, qua tổng hợp các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp cho thấy hiện nay doanh nghiệp còn thiếu các thông tin, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong quá trình áp dụng pháp luật, trong khi trên thực tế đang tồn tại rất nhiều kênh thông tin pháp luật. Bà Thủy cũng đề nghị Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong quá trình xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp cần lựa chọn những vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp, biên tập từ ngôn ngữ pháp lý thành ngôn ngữ doanh nghiệp hiểu được, phải chọn những vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng tới doanh nghiệp (chẳng hạn: pháp luật về đất đai, tín dụng, thuế, chuyển đổi xanh,…). Đồng thời, tập trung ưu tiên sử dụng đội ngũ tư vấn viên pháp luật cho các khu vực thực sự cần hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chương trình.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Lê Anh Văn – Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực của Hiệp hội trình bày quan điểm ủng hộ và cơ bản nhất trí với dự thảo kế Koạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, ông đề nghị Bộ Tư pháp xem xét giảm bớt các diễn đàn lớn, mang tính truyền thông mà tập trung tổ chức các diễn đàn thường xuyên, tập trung vào các vấn đề hẹp, cấp thiết cho các doanh nghiệp ở các khu vực nhất định. Có thể tham khảo mô hình Trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc để xây dựng, vận hành đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở các vấn đề được gợi mở, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tích cực thảo luận sôi nổi và đóng góp rất nhiều ý kiến giá trị cho Bộ Tư pháp nói chung và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu. Trong thời gian tới, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cùng các chuyên gia để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.
Nguyễn Việt Hà
Ảnh: Lê Thị Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật