Một số quy định pháp luật mới về thanh lý rừng trồng

Thanh lý rừng trồng là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý rừng, nhằm chuyển đổi các diện tích rừng trồng không còn hiệu quả kinh tế hoặc không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 02 năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý và tham mưu trình cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt thanh lý rừng trồng với tổng diện tích là 8.808,793 ha. Việc thanh lý rừng trồng tại các địa phương đã góp phần sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng được giao, hạn chế thất thoát tài sản của Nhà nước; đồng thời giúp các chủ rừng quản lý tài sản, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng theo đúng các quy định của nhà nước. Với mục đích tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch trong việc thanh lý rừng trồng, ngày 25/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/2024/NĐ-CP về việc quy định về thanh lý rừng trồng.
Nguyên tắc thanh lý rừng trồng: Việc thanh lý rừng trồng phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Nghị định số 140/2024/NĐ-CP, bao gồm: Tuân thủ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; pháp luật về quản lý đầu tư công và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Thực hiện thanh lý rừng trồng bảo đảm kịp thời, tránh làm thất thoát, lãng phí kinh phí và tài sản. Thực hiện thanh lý đối với diện tích rừng trồng bị thiệt hại và đảm bảo có đầy đủ hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Phục hồi rừng sau thanh lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Nghị định số 140/2024/NĐ-CP đã đưa ra các quy định cụ thể về các trường hợp và nguyên nhân thanh lý rừng trồng. Cụ thể việc thanh lý rừng trồng được thực hiện do 02 nguyên nhân: (i) Do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai, sự cố, thảm họa khác. (ii) Do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.
Theo Điều 7 của Nghị định số 140/2024/NĐ-CP, rừng trồng có thể được thanh lý trong hai trường hợp: Thứ nhất, đối với rừng trồng trong giai đoạn đầu tư, khi bị thiệt hại do các nguyên nhân do thiên tai hoặc do dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng; không đáp ứng các chỉ tiêu nghiệm thu theo quy định của pháp luật về đầu tư công trình lâm sinh, sẽ được xem xét thanh lý. Thứ hai, đối với rừng trồng sau giai đoạn đầu tư, nếu bị thiệt hại do những nguyên nhân nêu trên và không đạt tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng, chỉ những cây không còn khả năng phục hồi mới được khai thác tận dụng hoặc chặt bỏ. Những cây còn khả năng phục hồi sẽ được thống kê, kiểm đếm và đề xuất phương án phục hồi trong Phương án thanh lý rừng trồng.
Các hình thức thanh lý rừng trồng bao gồm: Chặt bỏ, vệ sinh rừng đối với rừng trồng không có giá trị lâm sản và bán lâm sản khai thác tận dụng đối với rừng trồng có giá trị lâm sản. Căn cứ vào từng loại rừng theo từng trường hợp, cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng lựa chọn hình thức thanh lý rừng trồng phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương và thực hiện khai thác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Quản lý, sử dụng tiền thu được từ thanh lý rừng trồng: Nguồn thu từ bán lâm sản khai thác tận dụng (nếu có) sẽ được sử dụng để chi cho các hoạt động thanh lý rừng trồng như: các hoạt động lập hồ sơ đề nghị thanh lý, khảo sát, đo đếm, tính toán trữ lượng, giá trị (nếu có), chặt hạ, bốc xếp, vận chuyển lâm sản tận dụng từ rừng trồng được thanh lý và các khoản chi khác theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 29 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP. Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí thanh lý rừng trồng, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và Nghị định số 114/2024/NĐ-CP.
Chi phí thanh lý rừng trồng được lập dự toán trong phương án thanh lý rừng trồng. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thanh lý rừng trồng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp không có nguồn thu từ bán lâm sản hoặc nguồn thu từ bán lâm sản nhỏ hơn chi phí thực hiện thanh lý rừng trồng, xử lý như sau: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách của địa phương đối với rừng trồng thuộc địa phương quản lý; Bộ, cơ quan trung ương xem xét xử lý bằng nguồn ngân sách được giao hàng năm đối với rừng trồng thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý.
Nghị định số 140/2024/NĐ-CP được ban hành không chỉ giúp tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng trồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Các quy định mới trong Nghị định này sẽ giúp các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác thanh lý rừng trồng thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật