Sửa đổi, bổ sung chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý trong Nghị định về công tác dân tộc

Ngày 10/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (sau đây gọi chung là Nghị định số 127/2024/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2024.

Nghị định số 127/2024/NĐ-CP có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với Nghị định số 05/2011/NĐ-CP như sửa đổi, bổ sung khái niệm “vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; bổ sung tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển và tiêu chí xác định dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; bổ sung nội dung chi thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà, động viên, gặp mặt đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số[1]; bổ sung hành vi “lợi dụng, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi” trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực dân tộc; sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chính sách thông tin - truyền thông, chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; sửa đổi, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về công tác dân tộc, trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong triển khai công tác dân tộc.v.v…
Đối với chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Nghị định số 127/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung như sau:
Thứ nhất, để bảo đảm phù hợp, sử dụng thuật ngữ thống nhất, Nghị định số 127/20124 quy định người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật (Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật).
Thứ hai, bổ sung quy định mới trong việc xây dựng và tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện, người hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số để kịp thời trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoà giải ở cơ sở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định, đây là chính sách quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện, người hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này góp phần thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012: “Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân”. Đặc biệt, điểm mới quan trọng của Nghị định số 127/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là đã bổ sung quy định về chính sách hoà giải ở cơ sở, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ hoà giải viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì triển khai chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý để bảo đảm phù hợp. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý, việc sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, việc tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện, người hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, bổ sung quy định mới của Ủy ban Dân tộc trong chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Nghị định số 127/2024/NĐ-CP được ban hành nhằm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc và miền núi, thể chế hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, các điều ước quốc tế, các đạo luật và Nghị quyết của Quốc hội có nội dung liên quan. Đặc biệt, Nghị định số 127/2024/NĐ-CP được ban hành nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 05/2011/NĐ-CP sau hơn 10 năm thi hành, qua đó đáp ứng tình hình triển khai công tác dân tộc trong tình hình mới./.
Lê Nguyên Thảo
 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Đây là quy định mời thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ tinh thần cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng người dân tộc thiểu số trong các dịp lễ Tết, ngày hội, hoặc các sự kiện quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là những trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn, qua đó kịp thời chia sẻ, cổ vũ, động viên, tri ân các đối tượng, góp phần xây dựng và củng cố thêm niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước