- Đã có Luật Đầu tư nhưng phải chờ rất lâu mới ban hành Nghị định hướng dẫn. Bây giờ lại tiếp tục chờ thông tư cụ thể hơn. Đến khi nào Luật Đầu tư có thể triển khai vào thực tế cuộc sống?
- Không cần chờ thông tư, mà áp dụng trực tiếp thẳng vào nghị định. Bởi các quy định của nghị định đã rất rõ ràng, cụ thể, gần như "quét" toàn bộ các lĩnh vực có liên quan trong đầu tư, thị trường nên có thể sử dụng ngay.
Vụ Pháp chế cũng đang tập hợp các ý kiến, quy phạm về hướng dẫn triển khai nghị định đầu tư, song đấy không phải là thông tư. Hệ thống pháp luật không cần một chuỗi văn bản nữa, nhất là trong thời kỳ hội nhập. Luật pháp nếu được xây dựng càng rõ ràng, minh bạch thì càng không cần những văn bản hướng dẫn tiếp theo.
Trong quá trình triển khai nghị định, nếu thực tế có phát sinh những vấn đề vướng mắc ở đâu thì sẽ có văn bản hướng dẫn gỡ ngay tại chỗ đó. Ví dụ như vấn đề lập chi nhánh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chẳng hạn...
- Liệu các địa phương đã nắm được tinh thần "không cần thông tư" này chưa, hay vẫn đang ngồi chờ hướng dẫn mới triển khai Luật Đầu tư được?
- Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa thông báo tinh thần này đến các địa phương. Chúng tôi đã có kế hoạch làm việc với các địa phương về vấn đề này, trước mắt là với những môi trường đầu tư lớn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương.
Dự tính, Bộ sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho những công chức tỉnh thành này về Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư. Từ đó, nhân rộng ra những nhân viên khác. Trước mắt, Bộ sẽ huấn luyện ở các tỉnh phía Bắc trước. Các tỉnh phía Nam sẽ đào tạo thành những nhóm nhỏ.
- Thế nhưng lâu nay cách chúng ta đưa luật vào cuộc sống phải đi từ luật, đến nghị định, rồi thông tư cụ thể, và nhiều văn bản nhùng nhằng tiếp theo nữa. Việc áp thẳng nghị định có phải là bước đột phá trong tư duy làm luật của VN?
- Cũng không hẳn là đột phá, vì mấy năm trước Chính phủ ta cũng đã dự tính đến cách làm luật này rồi. Tuy nhiên đây là thời điểm thích hợp để thực hiện, khi VN sắp gia nhập WTO và cũng là đòi hỏi của hệ thống pháp luật thế giới.
Cũng chỉ có VN khi đàm phán vào WTO mới phải trình các văn bản cam kết thay đổi hệ thống luật. Các nước khác không phải làm động tác này. Mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ ngành phải ngồi lại với nhau để rà soát lại toàn bộ các quy phạm pháp luật xem cái nào đá nhau, vênh nhau, còn thiếu để bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ. Tại phiên đàm phán WTO, đoàn VN cũng yêu cầu phải để ta tự chủ trong việc xây dựng pháp luật, thực hiện các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới.
Trước đây chúng ta làm luật không lấy cơ sở là nền kinh tế thị trường nên luật cứ đá nhau. Đã đến lúc ta phải thay đổi tư duy xây dựng khung pháp lý.
- Các nội dung cam kết về da giày, dệt may cũng như các trợ cấp nông sản của VN thường bị "ép" trên bàn đàm phán WTO. Liệu các chính sách ưu đãi đầu tư có được xem là trợ cấp hay không?
- Chính sách ưu đãi đầu tư không phải là trợ cấp, nhưng tôi nghĩ về lâu dài có lẽ VN sẽ phải hạn chế bớt những cái cho này. Xét cho cùng, những ưu đãi này không công bằng cho doanh nghiệp, ví dụ làm ăn trong khu công nghiệp thì hưởng thuế suất chỉ 15%, trong khi doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp phải chịu thuế đến 28%.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế bền vững, chúng ta cũng phải quy hoạch lại các vùng ưu đãi đầu tư. Ví dụ ở một số khu vực nào đó, ngành nghề nào đó mới được ưu đãi. Hiện nay, Chính phủ có khung chính sách ưu đãi đầu tư, nhưng thực hiện như thế nào là phân cấp cho các địa phương. Do đó để cạnh tranh thu hút vốn, một số địa phương ưu đãi quá đến xé rào. Đó cũng là lý do hiện nay các chính sách ưu đãi đầu tư rất tràn lan, thậm chí manh mún, mạnh ai nấy làm
(Theo VnE)