Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế

Để hoàn thiện pháp luật về dẫn độ, hiện nay Bộ Công an đang tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Dẫn độ, tập trung vào các quy định về tiếp nhận người bị yêu cầu dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam; chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động dẫn độ... Trong đó có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung cơ bản như nguyên tắc có đi có lại, các trường hợp bị dẫn độ, chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự, chi phí dẫn độ, trình tự thủ tục...

Thứ nhất, về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động dẫn độ, các trường hợp bị dẫn độ. Theo dự thảo Luật, điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ khi Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về dẫn độ, có cam kết của phía nước ngoài sẽ thực hiện yêu cầu dẫn độ của Việt Nam trong trường hợp tương tự và các điều kiện có liên quan khác. Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, theo đó, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan quyết định việc áp dụng. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế trong dẫn độ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà pháp luật hình sự, thi hành án hình sự Việt Nam và pháp luật của nước ngoài quy định hình phạt tù có thời hạn từ 01 năm trở lên, tù chung thân, tử hình hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người đó còn lại ít nhất 06 tháng; hành vi phạm của người đó không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước ngoài.
Thứ hai, về chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu trong yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định các tài liệu sẽ được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự nếu được ký và đóng dấu bởi cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài là thành viên có quy định khác.
Thứ ba, về trình tự, thủ tục đưa ra cam kết liên quan đến hình phạt tử hình, đây là quy định mới được dự thảo Luật quy định theo hướng trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết liên quan đến hình phạt tử hình trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đáp ứng yêu cầu của nước ngoài liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ.
Thứ tư, về không truy cứu trách nhiệm hình sự, thi hành án hình sự đối với người bị dẫn độ ngoài tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ và không dẫn độ cho nước thứ ba. Theo dự thảo Luật, người bị dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt tại nước yêu cầu dẫn độ vì một tội khác với tội nêu trong yêu cầu dẫn độ được thực hiện trước khi bị dẫn độ, cũng không bị dẫn độ cho nước thứ ba. Tuy nhiên dự thảo cũng đưa ra một số trường hợp ngoại lệ, phù hợp với các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên.
Thứ năm, về xem xét nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người, theo dự thảo Luật, trong trường hợp Bộ Công an nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ của hai hoặc nhiều nước đối với cùng một người về cùng một tội phạm hoặc nhiều tội phạm khác nhau thì Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quyết định việc chấp nhận xem xét yêu cầu dẫn độ của một trong các nước yêu cầu dẫn độ. Việc chấp nhận xem xét yêu cầu dẫn độ căn cứ trên các quy định của pháp luật và các yếu tố như: i) Cơ sở pháp lý lập yêu cầu dẫn độ theo quy định của điều ước quốc tế về dẫn độ giữa Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ hay theo nguyên tắc có đi có lại; ii) Quốc tịch và nơi thường trú cuối cùng của người bị yêu cầu dẫn độ; iii) Tính hợp pháp và mức độ phù hợp của yêu cầu dẫn độ; iv) Thời gian và địa điểm thực hiện tội phạm; v) Lợi ích riêng của các nước yêu cầu; vi) Mức độ nghiêm trọng của tội phạm; vii) Quốc tịch của người bị hại; vii) Ngày đưa ra yêu cầu dẫn độ...
Thứ sáu, việc bắt khẩn cấp để dẫn độ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được dự thảo Luật quy định trong trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày xác định chính xác nơi ở của người đó tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện sau: (i) Nước yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên; (ii) Nước yêu cầu bắt khẩn cấp để dẫn độ cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
Thứ bảy, về chuyển giao chứng cứ, tài sản, trong trường hợp cần phải chuyển giao vật chứng liên quan đến người bị yêu cầu dẫn độ cho nước yêu cầu dẫn độ thì Bộ Công an chuyển giao vật chứng đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ tại thời điểm bàn giao người bị yêu cầu dẫn độ hoặc vào thời điểm khác theo thỏa thuận với nước yêu cầu dẫn độ. Đối với những vật chứng không thể chuyển giao mà buộc phải tiêu hủy thì Bộ Công an thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ và đề nghị cơ quan bảo quản vật chứng hủy vật chứng đó theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ tám, về các biện pháp ngăn chặn để dẫn độ, được thực hiện khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ. Các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 502 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định về hình thức văn bản trong dẫn độ, ngôn ngữ của hồ sơ yêu cầu dẫn độ, chi phí trong dẫn độ, điều kiện, trình tự, thủ tục, cơ quan lập yêu cầu đối với việc tiếp nhận người bị yêu cầu dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam; trình tự, thủ tục, điều kiện về việc chuyển giao người bị yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài; trình tự tiếp nhận, kiểm tra, xử lý hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam; trình tự, thủ tục thụ lý, xem xét hồ sơ yêu cầu dẫn độ của nước ngoài gửi đến Việt Nam; truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam trong trường hợp từ chối dẫn độ; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án hình sự của tòa án nước ngoài trong trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam; điều kiện hợp lệ của hồ sơ yêu cầu dẫn độ./.
 
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật