Tìm hiểu một số nội dung quy định của dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cần được tháo gỡ, sửa đổi. Tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (được ban hành tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội), dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 9 và thông qua tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù gồm 05 chương và 63 điều, trong đó có một số nội dung chủ yếu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành của công tác chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Thứ nhất, về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút lại nguyện vọng được chuyển giao, dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù chỉ có quyền rút lại nguyện vọng được chuyển giao trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận hoặc quyết định thi hành quyết định chuyển giao có hiệu lực. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người đang chấp hành án phạt tù tùy tiện rút lại nguyên vọng được chuyển giao. Qua đó, hạn chế việc lãng phí công sức, nguồn lực cho việc chuyển giao người đó.
Thứ hai, về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam, thì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam. Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao. Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.
Thứ ba, về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận, chuyển giao khi có đủ các điều kiện: i) Là công dân Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc có mối quan hệ cộng đồng ở nước nhận hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài); ii) Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam; iii) Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 7 của Luật này, thời hạn này có thể ít hơn một năm; iv) Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật; v) Có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao; vi) Có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật của nước chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó. Các quy định này cơ bản kế thừa quy định tại Điều 50 của Luật TTTP năm 2007. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù cũng như phù hợp với hầu hết các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên, trong trường hợp Việt Nam là nước nhận, dự thảo Luật bỏ quy định về người đang chấp hành án phạt tù có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam.  
Thứ tư, về hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định hồ sơ yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phải gồm các tài liệu: i) Văn bản yêu cầu chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao hoặc văn bản yêu cầu chuyển giao của Bộ Công an; ii) Đơn xin chuyển giao hoặc tài liệu bày tỏ nguyện vọng được chuyển giao hoặc sự đồng ý về việc chuyển giao của người đang chấp hành án phạt tù hoặc người đại diện hợp pháp của người đó; iii) Bản sao hộ chiếu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc tài liệu khác chứng minh quốc tịch Việt Nam của người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu, chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc tài liệu khác chứng minh quốc tịch nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc có mối quan hệ cộng đồng ở nước nhận của người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật nước nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài); iv) Bản sao bản án, quyết định của Tòa án của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận đối với người đang chấp hành án phạt tù được đề nghị chuyển giao; v) Văn bản về việc thi hành hình phạt bổ sung, nếu có; vi) Điều luật của nước chuyển giao hoặc nước tiếp nhận áp dụng để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm và tội danh, quy định về hình phạt, thời hiệu thi hành hình phạt đối với tội phạm đó của bản án; vii) Văn bản thể hiện sự đồng ý chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù hoặc đồng ý xem xét yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao (hoặc nước nhận); viii) Tài liệu mô tả đặc điểm nhận dạng, vân tay và ảnh của người được đề nghị chuyển giao; ix) Văn bản, tài liệu xác nhận thời gian người được đề nghị chuyển giao đã chấp hành án phạt tù, việc đặc xá, đại xá, miễn, giảm án tại nước chuyển giao và thời gian còn lại phải chấp hành án phạt tù tại Việt Nam; x) Tài liệu liên quan đến tình hình sức khoẻ, trạng thái tâm thần, hồ sơ bệnh án của người được đề nghị chuyển giao và các khuyến nghị, nếu có; xi) Điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước chuyển giao; xii)  Văn bản thể hiện sự đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao và Việt Nam, nếu có; xiii) Các tài liệu cần thiết khác, nếu có. Các quy định này cơ bản kế thừa quy định của Luật TTTP năm 2007 nhưng quy định cụ thể hơn, trong đó bổ sung quy định hồ sơ phải có văn bản thể hiện sự đồng ý áp dụng nguyên tắc có đi có lại của cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao và Việt Nam để xem xét tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trong trường hợp áp dụng nguyên tắc có đi có lại.
Thứ năm, về lập và yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định Bộ Công an có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Quy định này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; đồng thời khắc phục “khoảng trống” của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Thứ sáu, về chuyển đổi tội danh, hình phạt trong trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, theo dự thảo Luật, nếu tội danh, thời hạn của hình phạt trong bản án, quyết định mà nước chuyển giao tuyên đối với người đang chấp hành án phạt tù không phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam thì có thể chuyển đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Khi chuyển đổi tội danh, hình phạt, Hội đồng xem xét yêu cầu chuyển giao phải căn cứ vào các ý kiến, cáo trạng, quyết định hoặc bản án đã được nước chuyển giao tuyên. Tội danh, hình phạt chuyển đổi không được nghiêm khắc hơn tội danh, hình phạt mà nước chuyển giao đã tuyên về tính chất và thời hạn; không chuyển đổi hình phạt tù thành hình phạt tiền. Trường hợp người đang chấp hành án phạt tù bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn trên 30 năm đối với nhiều tội hoặc trên 20 năm đối với một tội, sau khi trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao, Tòa án nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này xem xét, quyết định để thời hạn phải chấp hành phần hình phạt còn lại của người được đề nghị chuyển giao cao nhất đến 30 năm tù (trường hợp phạm nhiều tội) hoặc đến 20 năm tù (trường hợp phạm một tội) theo quy định về quyết định hình phạt của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành và được trừ thời gian người đó đã thi hành hình phạt ở nước chuyển giao. Người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam không bị kết án lần thứ hai về tội phạm đã được tuyên trong bản án của nước chuyển giao.
Thứ bảy, về tổ chức thi hành việc tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thi hành quyết định tiếp nhận có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Về hủy quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định 04 trường hợp: a) Người đang chấp hành án phạt tù rút lại đơn xin chuyển giao hoặc thể hiện nguyện vọng không muốn chuyển giao bằng văn bản trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận của Tòa án nhân dân có hiệu lực; b) Nước chuyển giao rút lại yêu cầu chuyển giao; c) Người đang chấp hành án phạt tù chết hoặc bỏ trốn khỏi nước chuyển giao; d) Việc tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù không được tiến hành đúng thời điểm ấn định đã được thống nhất giữa Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền của nước chuyển giao mà không có lý do chính đáng hoặc trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.
Thứ tám, về đại xá, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận, chuyển giao, dự thảo Luật quy định Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước chuyển giao có quyền đại xá, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người đang chấp hành án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quy định này phù hợp với các quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết và phù hợp với thực tiễn công tác.
Thứ chín, về kinh phí trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật. Người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật. Nếu Việt Nam là nước chuyển giao, Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh hoàn toàn trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu Việt Nam là nước nhận, Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quy định này đáp ứng yêu cầu công tác cũng như phù hợp với quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên./.
 
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật