Bên cạnh đó, một số quy định của Luật ATTP đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế-xã hội. Trong đó có việc quản lý sản phẩm thực phẩm chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thi hành; còn thiếu quy định về quản lý như chỉ tiêu ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn thiếu, chưa đồng bộ để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay
[1]; phân cấp trong điều tra ngộ độc thực phẩm; thu hồi Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ đăng ký bản công bố sản phẩm; đảm bảo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về ATTP; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm truyền thống của địa phương như tinh bột nghệ, dụng cụ ăn uống bằng tre và mo cau, men rượu...
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm chất lượng, khả thi; loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán, như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định ASEAN..., hiện nay, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Trong đó xác định 03 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật.
Một là: Quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung vào các vấn đề về đăng ký và tự công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt.
Đăng ký và tự công bố sản phẩm thực phẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm để lựa chọn sản phẩm phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng; quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm lưu hành trên thị trường đáp ứng các quy định của pháp luật.
Kiểm nghiệm định kỳ thực phẩm, nhằm xác định và xây dựng các chỉ tiêu thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm, giúp các doanh nghiệp có trách nhiệm theo dõi chất lượig và an toàn đối với sản phẩm mà mình sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm nghiệm không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm và duy trì lòng tin của người tiêu dùng. Việc kiểm nghiệm giúp đánh giá sự ổn định của sản phẩm trong suốt thời gian sử dụng, đảm bảo rằng sản phẩm vẫn an toàn và giữ nguyên chất lượng từ khi sản xuất đến khi hết hạn. Công tác kiểm nghiệm cung cấp dữ liệu và bằng chứng khoa học cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm để thực thi các quy định pháp lý. Các kết quả kiểm nghiệm có thể được sử dụng để xác định xem một sản phẩm có đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định hiện hành hay không.
Kiểm tra nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Mục tiêu quy định rõ phương thức kiểm tra đối với từng danh mục hàng hóa giúp tối ưu hóa quy trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Các phương thức kiểm tra được áp dụng dựa trên mức độ rủi ro, loại sản phẩm, và lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó đảm bảo rằng các sản phẩm thực phẩm đáp ứng yêu cầu chất lượng và an toàn.
Quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt với mục tiêu chính sách các sản phẩm thực phẩm có thành phần kiểm soát đặc biệt thường tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe do chứa các chất có thể gây dị ứng, các chất bảo quản, phụ gia hoặc các thành phần có tính chất sinh học mạnh hoặc các sản phẩm có khả năng sử dụng sai mục đích; việc kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm đặc biệt sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giảm thiểu tình trạng lừa dối, quảng cáo sai lệch về công 16 dụng của sản phẩm.
Hai là: Quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, với mục tiêu xây dựng và duy trì hệ thống để đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm thực phẩm đều an toàn cho người tiêu dùng và không gây hại đến sức khỏe; Đảm bảo rằng tổ chức tuân thủ các quy định pháp lý, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế liên quan đến an toàn thực phẩm, như HACCP, ISO 22000... và các quy định cụ thể của từng quốc gia, khu vực và quốc tế.
Ba là: Phân công, phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước nhằm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm trong tình hình mới, theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương./.